Điểm tin

Thu hút FDI từ ‘lá bài’ RCEP - Cửa rộng và sáng đến đâu?

05 tháng 02. 2021

Với quy mô GDP gần 27.000 tỷ USD, RCEP được kỳ vọng sẽ trở thành "lá bài" quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại (FTA) lớn nhất thế giới đã được ký kết sau 8 năm đàm phán giữa 15 nước, trong đó có Việt Nam. Với quy mô GDP gần 27.000 tỷ USD, RCEP được kỳ vọng sẽ trở thành “lá bài’ quan trọng để thu hút FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội từ RCEP và hạn chế những thách thức khi tham gia thị trường rộng lớn này vẫn là vấn đề khiến nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trăn trở.

Cơ hội rộng mở

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đối với đầu tư nước ngoài, RCEP mang lại cả cơ hội và thách thức đan xen. Bởi Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch Covid-19.

RCEP sẽ giảm các rào cản thương mại và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ, thu hút các công ty nước ngoài tham gia vào một thị trường ASEAN hội nhập hơn.

Các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các nước phát triển, sẽ đem lại các tác động lan tỏa tích cực, bao gồm chuyển giao công nghệ, bí quyết kinh doanh, kỹ năng quản lý và cơ hội tiếp cận thị trường, vốn là những yếu tố doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Cùng với đó, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn còn đem đến nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, trao đổi với giới truyền thông, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam có cơ hội trở thành địa điểm thu hút FDI từ những nước tham gia RCEP.

Ông Thái giải thích, thực tế, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, nhờ đó kích thích đầu tư phát triển chuỗi cung ứng.

Tất cả 15 nước thành viên RCEP đều là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Đặc biệt, trong danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam, thì có tới 6 đối tác đến từ RCEP. Lớn nhất là Hàn Quốc với 70,38 tỷ USD, tiếp đó là Nhật Bản 59,89 tỷ USD, Singapore 55,7 tỷ USD, Trung Quốc 18 tỷ USD, Malaysia 12,8 tỷ USD, Thái Lan 12,5 tỷ USD.

Dù RCEP không tạo ra hiệu ứng về mở cửa thị trường mới do ASEAN, trong đó có Việt Nam đã có FTA với các quốc gia trong khối, nhưng về khía cạnh gián tiếp, chính nhờ không gian kinh tế được mở ra giữa ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, việc thúc đẩy dòng vốn đầu tư nhờ tạo dựng quy mô thị trường lớn của RCEP là hoàn toàn hiện thực”, ông Thái nhận định.

Cũng theo ông Thái, các ngành viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và điện tử là những lĩnh vực Việt Nam có khả năng thu hút FDI. Với một không gian kinh tế lớn như RCEP thì nhà đầu tư có thể chọn địa điểm đầu tư có lợi cho họ nhất. Hiện tại, một số quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng.

Trao đổi với TG&VN, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, Tiến sĩ John Walsh cho rằng, nhờ RCEP, các lĩnh vực đã thành công từ trước sẽ thu hút thêm đầu tư và các lĩnh vực liên quan sẽ thu hút đầu tư mới.

Theo TS Walsh, hoạt động sản xuất và lắp ráp từ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được đẩy mạnh, còn một số hoạt động công nghiệp sẽ được di dời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam. Nhiều khả năng lĩnh vực năng lượng sẽ thu hút thêm đầu tư, thể hiện ở việc các công ty Thái Lan đang tất bật mua lại năng lực sản xuất điện mặt trời của Việt Nam.

Thách thức hiện hữu

Tuy khẳng định về tiềm năng thu hút FDI nhờ RCEP là khả thi nhưng ông Lương Hoàng Thái cũng nhận định, tác động về thu hút FDI đến đâu còn phụ thuộc vào sự vận động của mỗi quốc gia như chính sách thu hút đầu tư quốc gia, cũng như chính sách với từng lĩnh vực cụ thể.

Đây là cơ sở rất quan trọng để các nhà đầu tư xem xét và quyết định sẽ đầu tư vào đâu", ông Thái nhấn mạnh.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam thu hút dòng vốn FDI lớn từ các nước trong RCEP, tuy nhiên, thời gian qua, không ít dự án từ một số nước ở khu vực này có gây ra lo ngại về chất lượng đầu tư như về phương diện môi trường, xã hội…

Các chuyên gia cho rằng, nếu không quyết liệt sàng lọc và chỉnh đốn, Việt Nam có nguy cơ sa lầy trong các dự án FDI sản xuất các sản phẩm thô, sơ chế đơn giản với giá trị gia tăng thấp, với quy mô nhỏ, công nghệ giản đơn, năng lực cạnh tranh yếu, và nhiều rủi ro.

Cùng chung quan điểm, TS. Trần Thị Minh Hồng nhấn mạnh, việc thu hút FDI nhờ RCEP cũng phải đối mặt với những thách thức như: việc tiếp nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với FDI ở thị trường RCEP; sàng lọc chất lượng dự án FDI không dễ; kiểm soát dòng vốn FDI từ RCEP và hệ lụy kinh tế vĩ mô; khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam.

Chú trọng 3 yếu tố chính

Trước những băn khoăn trên, theo chuyên gia từ RMIT, để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, “Việt Nam cần chú trọng vào 3 yếu tố chính”. Yếu tố đầu tiên là cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông và kết nối viễn thông. Tiếp đến là giáo dục để bổ sung kỹ năng và năng lực cho lực lượng lao động.

Hiện Việt Nam đang thiếu hụt lao động có kỹ năng và Chính phủ có thể tìm cách khuyến khích học sinh theo học các trường dạy nghề hơn là đổ xô vào đại học”, Tiến sĩ Walsh nhận định.

Yếu tố thứ ba cần chú trọng là vấn đề thiếu hụt doanh nghiệp cỡ vừa, tức doanh nghiệp với quy mô 25-100 nhân viên và cơ cấu phòng ban bài bản.

Khi quyết định bỏ tiền ra đầu tư, các nhà đầu tư muốn tìm nơi có doanh nghiệp địa phương đáng tin cậy, đồng thời có khả năng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tại chỗ để họ có thể yên tâm tham gia chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn thiếu các công ty như vậy. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam phải đầu tư thêm để có nguồn cung và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của họ”, Tiến sĩ Walsh giải thích.

Cần tìm cách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ mở rộng quy mô để có thể giành được hợp đồng với những doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài”.

Tiến sĩ Walsh bổ sung rằng các doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng chiến lược Thái Lan +1 hoặc Trung Quốc +1. Theo đó, nhà đầu tư có thể thực hiện các khâu sản xuất hoặc lắp ráp phức tạp hơn ở quốc gia chính và sau đó thực hiện các hoạt động đơn giản hơn ở quốc gia khác.

Điều này đòi hỏi phải có mạng lưới giao thông tốt và gỡ bỏ thuế quan hoặc rào cản không cần thiết đối với việc vận chuyển hàng hóa trung gian xuyên biên giới”, ông nhấn mạnh.

Nguồn: Thế giới và Việt Nam
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: