Điểm tin

Sức ép từ thực thi RCEP – nông sản Việt hết thời xuất khẩu thô

17 tháng 02. 2021

Tham gia vào Hiệp định RCEP, Việt Nam cần chú trọng chế biến sâu để gia tăng giá trị và chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Bài toán nâng cao chất lượng

Là SEO của một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các nước, doanh nhân Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group – nhấn mạnh: Trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), chúng ta có rất nhiều đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan và các nước ASEAN khác có cùng mặt hàng với chúng ta. Ở những nước đó, nền tảng nông nghiệp họ đã đi trước Việt Nam khá lâu.

Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam nhằm tận dụng tốt các cơ hội trong RCEP để xuất khẩu, chúng ta phải đẩy mạnh việc xây dựng một nền tảng nông nghiệp vững chắc.

Nông dân muốn bán được hàng thì phải sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được thì phải hỗ trợ, liên kết nông dân thành một chuỗi giá trị ổn định, nông sản phải được chế biến sâu và vấn đề thương hiệu phải được chú trọng giải quyết” – ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.

Nói về thuận lợi và những thách thức của RCEP, Ông Lê Duy Minh – Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) nêu ý kiến: RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 2,2 tỉ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỉ USD), giữ được kim ngạch xuất khẩu ổn định sang thị trường này, Việt Nam có được đầu ra rộng lớn cho nông sản Việt.

Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường này, thì nông sản Việt Nam phải ở mức tương đồng như sản phẩm của các nước cạnh tranh, đặc biệt, nông sản Việt Nam phải chiếm được sự quan tâm của 3 quốc gia “khó tính” như Úc, Nhật Bản, New Zealand.

Chuẩn bị đủ lực để "chạy đường dài"

TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) cho rằng, một trong những thách thức mà Hiệp định RCEP mang lại là, các đối tác lớn của RCEP đều là đối tác Việt Nam đang nhập siêu rất lớn và có cơ cấu nền kinh tế khá tương đồng, cạnh tranh nên thách thức từ nhập siêu có thể rất lớn trong tương lai.

Việt Nam không thể “thả lỏng” trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường này.

Theo Bộ Công Thương, nhiều đối tác trong RCEP như Thái Lan, Trung Quốc, các nước ASEAN… có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản tương tự Việt Nam và đây chính là thách thức đối với nông, lâm, thủy sản của Việt Nam bởi chúng ta đang thua kém năng lực cạnh tranh mạnh hơn, vì chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt Nam còn khiêm tốn.

Điều này cho thấy, để có thể “chạy đường dài” khi tham gia vào RCEP, Việt Nam cần phải đẩy mạnh chế biến sâu. Khi tham gia vào các FTA lớn, Việt Nam đã khép lại giai đoạn xuất khẩu thô.

Nguồn: Báo Lao động

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: