Điểm tin

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Biến khủng hoảng thành cơ hội

22 tháng 03. 2021

Theo báo cáo của Moody’s Analytics, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu. Hiện tại, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của APAC đã vượt qua mức đỉnh trước đại dịch trong quý cuối cùng của năm 2020.

Tăng trưởng kỷ lục

Tất cả các nền kinh tế APAC được dự đoán sẽ tăng trưởng kỷ lục vào năm 2021. Moodys Analytics dự báo, Ấn Độ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất 12%, tiếp theo là Trung Quốc (8,3%) và Việt Nam (7,5%). New Zealand, Philippines, Singapore, Indonesia, HongKong (Trung Quốc) được dự báo sẽ tăng khoảng 5 - 6%. Phần còn lại là Malaysia, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan được dự báo sẽ tăng 3 - 4%. Trong nửa cuối năm, khu vực này dự kiến được hỗ trợ bởi khả năng miễn dịch gia tăng và ít giãn cách xã hội hơn, cùng với sự xuất hiện của Bắc Mỹ và châu Âu ra khỏi các hạn chế của Covid-19 sẽ thúc đẩy chi tiêu toàn cầu. Sự phục hồi trong thương mại quốc tế, các chính sách tài khóa hỗ trợ và biện pháp quản lý Covid-19 là những yếu tố khác có lợi cho APAC.

Trên toàn cầu, thương mại hàng hóa tổng hợp và sản xuất công nghiệp đã phục hồi hoàn toàn trong tháng 12 năm ngoái. Trên khắp Bắc Á và phần lớn Đông Nam Á, xuất khẩu hiện đang ở trên mức trước Covid - 19. Giá dầu thô, dầu cọ và các mặt hàng khác tăng cũng góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu đối với nhà sản xuất hàng hóa như Indonesia và Malaysia. Các nền kinh tế APAC như Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Australia đã tiếp tục cung cấp các biện pháp kích thích khiêm tốn vào năm 2021, thông qua chi tiêu thâm hụt có mục tiêu, sau các chính sách tích cực vào năm ngoái. Các quốc gia này đã đưa ra phản ứng tài khóa lớn hơn vào năm 2020 được tính bằng phần trăm GDP, so với những nền kinh tế lớn như Canada, Pháp, Đức, Ý và Brazil. Tốc độ tiêm chủng cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế của khu vực trong nửa cuối năm. Báo cáo xác định, chỉ có Philippines và Thái Lan là tụt hậu trong việc mua vắc xin, mặc dù dự báo các nước này sẽ mua được vắc xin cần thiết, khi số lượng nguồn mở rộng.

Thái Lan, Malaysia và Philippines dự kiến sẽ mất đến năm sau để GDP thực tăng lên mức trước đại dịch. Thái Lan được dự báo sẽ đạt được cột mốc đó trong quý đầu tiên của năm 2022, tiếp theo là Malaysia vào quý thứ hai và Philippines vào quý thứ ba. Mức độ trở lại với du lịch và lữ hành của Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong một thời gian. Malaysia cũng phụ thuộc nhiều vào du lịch; và nền kinh tế nước này gần như chững lại trong quý 4 năm ngoái, do các lệnh kiểm soát di chuyển. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể là Philippines. GDP thực tế của nước này có mức sụt giảm mạnh nhất vào năm 2020 trong số tất cả các nền kinh tế APAC, giảm hơn 9%. Lệnh kiểm dịch đã hạn chế khả năng di chuyển trong nhiều năm qua. Báo cáo cho biết thêm, phản ứng tài chính còn hạn chế và chưa phát triển một hệ thống hiệu quả để cung cấp vắc xin trên toàn quần đảo. Khả năng miễn dịch cộng đồng có thể không đạt được cho đến năm 2023.

Steven Cochrane - nhà kinh tế trưởng về APAC tại Moodys Analytics - cho rằng, tại thời điểm này, trong quá trình phục hồi kinh tế, các rủi ro đối với triển vọng ngày càng cân bằng theo hướng tăng và giảm của dự báo cơ sở. Những rủi ro mặt trái liên quan đến Covid-19 đang giảm bớt khi vắc xin được phân phối, bất chấp nhiều rào cản cản trở các chương trình tiêm chủng nhanh chóng. Và việc thông qua chương trình kích thích mới nhất ở Mỹ kết hợp với tốc độ gia tăng của quốc gia tiêm chủng tạo ra tiềm năng gia tăng bổ sung cho triển vọng của nền kinh tế toàn cầu.

Sức bật bền vững

Đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đại dịch Covid-19 đã gây ra ba cú sốc: Bản thân đại dịch, tác động kinh tế của các biện pháp ngăn chặn và dư âm từ suy thoái toàn cầu do cuộc khủng hoảng mang lại. Nhưng tác động lâu dài của Covid - 19 đối với khu vực sẽ ít phụ thuộc vào virus hơn vào các quyết định chính sách và cách phản ứng của chính phủ. Covid – 19 có thể tác động lâu dài đến tăng trưởng dài hạn toàn diện. Nợ nần cùng với sự bất ổn gia tăng có khả năng kìm hãm đầu tư công và tư nhân, cũng như gây rủi ro cho sự ổn định kinh tế. Sự gián đoạn của thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu có thể ảnh hưởng đến năng suất, do việc phân bổ nguồn lực giữa các ngành và công ty kém hiệu quả hơn; đồng thời làm giảm sự phổ biến của công nghệ. Nếu không được khắc phục, hậu quả của đại dịch có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực trong thập kỷ tới 1 điểm phần trăm mỗi năm. Một lần nữa, người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì mức độ tiếp cận bệnh viện, trường học, việc làm và tài chính của họ thấp hơn.

Cải cách tài khóa có thể cho phép chi tiêu nhiều hơn để cứu trợ mà không phải hy sinh đầu tư công. Các chính phủ trong khu vực tăng doanh thu tương đối ít, chỉ 18% tổng sản phẩm quốc nội, ít hơn 1/3 so với các thị trường mới nổi khác. Mở rộng cơ sở thuế với việc đánh thuế lũy tiến hơn đối với thu nhập và lợi nhuận, chi tiêu ít lãng phí hơn cho các khoản trợ cấp năng lượng, trong một số trường hợp trên 2% GDP, có thể giúp phục hồi cả bao trùm và bền vững. Tăng cường cải cách và hợp tác thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, vận tải và thông tin liên lạc sẽ nâng cao năng suất, giúp mọi người tận dụng cơ hội mới. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một bước khởi đầu đáng hoan nghênh, mặc dù tác động sẽ lớn hơn nếu hội nhập sâu rộng hơn.

Cuối cùng, sự phục hồi cần phải có sức bật và bền vững. Đầu tư vào năng lượng sạch hơn, tài sản xanh sẽ là chìa khóa cho các cơ hội việc làm, kinh tế trong tương lai, cũng như tạo ra lợi ích về sức khỏe và khí hậu toàn cầu. Trong bối cảnh đó, tuyên bố của một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm đạt được trung lập carbon vào giữa thế kỷ này, và việc Philippines cấm các nhà máy nhiệt điện than mới đang truyền cảm hứng, có thể khuyến khích nhiều quốc gia đi theo hướng này. Đông Á bước vào đại dịch đầu tiên, có khả năng là khu vực đầu tiên phục hồi trong năm nay.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: