Điểm tin

IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP tại Đông Nam Á

16 tháng 04. 2021

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế một số nước Đông Nam Á, ngay cả khi tổ chức này tỏ ra lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

IMF dự báo 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất ở Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng trưởng chung 4,9% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 5,2% trước đó.

Ông Jonathan Ostry - Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF - cho biết, nguyên nhân khiến triển vọng kinh tế của một số nước Đông Nam Á giảm là do sự gia tăng của số ca mắc Covid-19 và các nước tuyên bố phong tỏa lần nữa.

“Chúng tôi cảm thấy lo ngại đối với triển vọng ngành du lịch, khi nào các thị trường mới mở cửa trở lại, các biện pháp bổ sung và các biện pháp hiện hành nhằm phòng ngừa dịch bệnh bất ngờ quay trở lại” - ông Ostry bày tỏ.

Indonesia, Malaysia và Philippines là một trong số những nước đang phải gia tăng các biện pháp hạn chế khi số va bệnh Covid-19 tăng đột biến. Tiêm chủng vaccine tại các quốc gia này cũng chậm hơn nhiều quốc gia trên toàn cầu. Theo thống kê, tại Indonesia, tỷ lệ tiêm vaccine mới đạt 3,76%, thấp hơn so với mức trung bình 5,76%. Con số này ở Malaysia và Philippines lần lượt là 1,8% và 0,96%.

Việc hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế Đông Nam Á được đưa ra khi IMF nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ 7,3% lên 7,6% năm 2021. Quỹ này cũng nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2021 từ 5,5% lên 6%. Ông Jonathan Ostry đánh giá các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand sẽ có những khởi sắc.

“Châu Á là khu vực kinh tế mở, hướng ra bên ngoài. Đồng thời, sự khởi sắc của nền kinh tế Hoa Kỳ cùng các chính sách kích thích tài chính mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ sẽ có tác động tích cực đối với bức tranh kinh tế châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển.”

IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng các nền kinh tế lớn khác của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 8,1%. Trong khi Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng 12,5%, nhanh hơn so với dự báo 11,5% được đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, ông Ostry cảnh báo "nỗi lo lớn" với số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ. Trong tuần qua, quốc gia Nam Á này đã vượt Brazil trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ chỉ được phát hiện ở một số bang hoặc khu vực nhất định.

Ngoài ra, IMF cảnh báo sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế châu Á có thể vẫn không đồng đều trong ít nhất là 5 năm tới.

Ông Jonathan Ostry đưa ra một số đề xuất để ASEAN nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung vượt qua các tác động của đại dịch và đảm bảo phục hồi bền vững: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo rằng vaccine được phổ biến rộng rãi và khắc phục tình trạng người dân vẫn còn do dự đi chủng ngừa. Tăng cường nguồn cung vaccine và khả năng quản lý là cần thiết để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Cần có các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm vào những nhóm có nhiều nguy cơ, cho đến khi nhu cầu tư nhân phục hồi hoàn toàn”.

Báo cáo của IMF cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải cách cơ cấu để thúc đẩy năng suất và sản lượng, đồng thời đầu tư xanh để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Để đảm bảo mục tiêu này cần dựa trên 3 điều kiện bắt buộc. Thứ nhất, thương mại phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở châu Á, là nền tảng của phép màu châu Á. Vì vậy, để phát huy hết tiềm năng của châu Á cần phải giảm bớt các hạn chế cản trở thương mại, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tránh xung đột thương mại... Thứ hai, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đứng vững và phục hồi sau đại dịch. Thứ ba, hướng tới một nền kinh tế xanh với việc tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: