Điểm tin

Hải quan Philippines tăng cường hiện đại hóa hải quan

19 tháng 04. 2021

Hải quan Philippines đã ghi nhận những bước tiến đáng kể trong thực hiện các mục tiêu ưu tiên trong năm 2020, trước tiên phải kể đến là hoàn thành mục tiêu tự động hóa hoàn toàn các giao dịch thương mại qua biên giới và 100% mục tiêu hiện đại hóa các quy trình quản lý rủi ro trong bối cảnh phải đối mặt với các thách thức bởi đại dịch Covid-19.

Triển khai hiệu quả hệ thống E2M

Năm 2018, Hải quan Phillipines đã ban hành Biên bản Ghi nhớ Hải quan nhằm thúc đẩy “Hệ thống thông quan điện tử” (E2M) giúp duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu hải quan và ngăn chặn truy cập bất hợp pháp vào các hệ thống và ứng dụng hải quan.

Biên bản Ghi nhớ Hải quan 15-2018 (CMO) đưa ra quy định đối với người truy cập vào Hệ thống E2M, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy cập và sử dụng các ứng dụng và hệ thống cũng như đảm bảo dữ liệu khỏi các mối đe dọa và lợi dụng có thể phát sinh.

CMO đưa ra các quy định cụ thể đối với người sử dụng được cấp quyền truy cập vào Hệ thống E2M và các ứng dụng hải quan khác”.

Theo đó, CMO hướng tới mục tiêu giúp Hải quan Phillipines triển khai các biện pháp phù hợp nhằm hạn chế và kiểm soát quyền truy cập vào các hệ thống hải quan; thiết lập các quy trình thủ tục quản lý việc truy cập vào hệ thống; hướng dẫn người sử dụng khi truy cập vào hệ thống; giám sát và hạch toán tất cả các quyền truy cập được cấp cho người sử dụng hệ thống; tiến hành kiểm tra, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị thường xuyên nhằm xử lý bất kỳ sai sót nào của hệ thống.

“Biên bản ghi nhớ này bao hàm tất cả những người có quyền truy cập vào Hệ thống E2M, các ứng dụng và dữ liệu liên quan được lưu giữ và xử lý qua hệ thống. Người sử dụng thuộc phạm vi điều chỉnh của CMO 15-2018 là các nhân viên cơ hữu, các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng được công nhận và các đại lý tương ứng, các cơ quan Chính phủ và tất các đối tượng khác truy cập vào Hệ thống E2M.

Phó Cao ủy cục Công nghệ và Hệ thống thông tin quản lý (MISTG) thuộc Hải quan Phillipines là đơn vị có thẩm quyền phê duyệt và cấp quyền truy cập hệ thống. Quyền truy cập vào hệ thống sẽ được rà soát ít nhất ba tháng một lần để xác định tài khoản không hoạt động cũng như tài khoản có đặc quyền vượt mức quy định.

Năm 2011, Tập đoàn Philippine Exporters Confederation (Philexport) đã ban hành một biên bản ghi nhớ kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký vào Hệ thống E2M để tránh chậm trễ trong thực hiện thủ tục và giao hàng.

Hệ thống E2M phù hợp với chương trình tự động hóa của Hải quan Philippines và tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại trong nước và đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Năm 2009, một số doanh nghiệp vận tải và đại lý hải quan đã gặp phải những khó khăn trong khi thực hiện thủ tục hải quan tại Cảng Container Quốc tế Manila do lỗi kỹ thuật của Hệ thống E2M. Hải quan Philipines đã khắc phục sự cố này ngay sau đó.

Cùng với quy trình hợp lý hóa về giấy phép xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính Philippines cũng đã triển khai Hệ thống TradeNet.gov.phsy.

TradeNet là một nền tảng cấp phép xuất nhập khẩu số hóa của Chính phủ Philippines nhằm mục đích kết nối 76 cơ quan Chính phủ quản lý thương mại thông qua một cơ sở dữ liệu chung và rút ngắn quy trình thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hệ thống được kỳ vọng sẽ giảm thiểu chi phí kinh doanh và cắt giảm thời gian cấp giấy phép xuất nhập khẩu.

Nền tảng này cũng đóng vai trò liên kết của Philippines với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), một sáng kiến khu vực ASEAN nhằm tăng tốc độ thông quan hàng hóa và thúc đẩy hội nhập kinh tế bằng cách cho phép trao đổi các chứng từ điện tử xuyên biên giới giữa 10 quốc gia thành viên của tổ chức, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã và đang sử dụng ASW để trao đổi thông tin về thông quan hải quan.

Vào năm 2016, Bộ Tài chính Philippines đã được tài trợ 21,5 triệu Peso từ Tập đoàn KfW của Ngân hàng phát triển Đức để giúp triển khai TradeNet. TradeNet nhằm mục đích kết nối 66 cơ quan và 10 khu kinh tế trong đó có Hải quan Philippines, và bao gồm việc phê duyệt giấy phép xuất nhập khẩu và các yêu cầu thương mại khác.

Đạt mục tiêu tự động hóa giám sát hải quan 2020

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines Carlos Dominguez III đã chúc mừng Cao ủy Hải quan Philipines Rey Leonardo Guerrero về những thành tựu Hải quan Philippines đã đạt được trong năm 2020, đặc biệt là những nỗ lực trong sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tự động hóa hoạt động hải quan, ngăn chặn buôn lậu và cải cách cung cấp các dịch vụ công.

Cũng theo Cao ủy Hải quan Philipines Rey Leonardo Guerrero, Hải quan Philippines đã đạt mục tiêu tỉ lệ hoàn thành 100% tự động hóa quy trình thủ tục hải quan tại biên giới cho phép người khai hải quan nộp hồ sơ điện tử thông qua Hệ thống Cổng chăm sóc khách hàng; nâng cấp Hệ thống E2M nhằm điện tử hóa các quy trình thủ công và chấp nhận lựa chọn thanh toán như PayMaya.

Cũng theo Cao Ủy Hải quan Philippines Rey Leonardo B. Guerrero, hoạt động nâng cấp Hệ thống E2M tiếp tục được thực hiện, các module quan trọng đã sẵn sàng triển khai tại nhiều cảng khác nhau, thiết lập phương thức thanh toán điện tử thông qua PayMaya và tích hợp nộp hồ sơ điện tử tới Cổng chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó Hải quan Philippines thực hiện các chương trình ưu tiên về nâng cấp Hệ thống quản lý rủi ro đúng tiến độ.

Hải quan Philippines đã hoàn thành 100% mục tiêu cải thiện quy trình quản lý rủi ro trong năm 2020 thông qua áp dụng Hệ thống xác định hàng hóa trọng điểm điện tử, nâng cấp hệ thống chọn lọc hàng hóa và triển khai Hệ thống quản lý rủi ro chung mới, thân thiện với người sử dụng.

Về hiện đại hóa hải quan, Cao Ủy Guerrero cho biết những bước phát triển lớn trong chương trình hiện đại hóa hải quan đã được triển khai tại các đơn vị trực thuộc Hải quan Philippines, những sáng kiến quan trọng sẽ được thực hiện trong năm 2021, như: vận hành Trung tâm Điều hành hải quan, thành lập Học viện Đào tạo Hải quan, kích hoạt hệ thống hải quan mới và tiếp tục nâng cấp Hệ thống E2M.

Hải quan Philippines sẽ tiến hành tái cấu trúc quy trình nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hải quan, giảm chi phí giao dịch và nâng cao khả năng dự đoán và tính minh bạch của quy trình thông quan trong năm 2021, ông Guerrero cho hay.

Bên cạnh đó, Hải quan Philippines đã hoàn thành chứng nhận ISO đối với cảng phụ Dumaguete và Trung tâm Chăm sóc khách hàng tại cảng Manila và tái chứng nhận đối với cảng Batangas, đây là những cảng đáp ứng các tiêu chuẩn về sự hài lòng của khách hàng, tuân thủ các yêu cầu quy định và tạo thuận lợi thương mại.

Hải quan Philippines đã nhận được giải thưởng cao nhất do Học Viện Đoàn kết ở Châu Á (ISA) trao tặng - Giải thưởng Người tiên phong Vàng tuân thủ của Hệ thống Quản trị công.

Về việc tăng cường tạo thuận lợi thương mại, ông Guerrero cho biết Hải quan Philippines đã cải thiện quy trình tham vấn trước và các thủ tục Khai báo hàng hóa quá cảnh và tạm quản, đạt 91% mục tiêu trong năm 2020.

Năm 2020, Hải quan Philippines đã hoàn thành 90% mục tiêu rà soát lại quy tắc xử phạt, bao gồm dự thảo Biên bản Hành chính hải quan về hướng dẫn xử phạt đã được Bộ Tài chính thông qua trước đó. Đến nay, Hải quan Philippines đã hoàn thành 90% mục tiêu này.

Đồng thời Hải quan Philippines đã tuyển dụng 385 nhân viên mới làm việc tại các vị trí trí và nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng quản lý thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và học bổng khác nhau trong năm 2020.

Về mục tiêu tăng cường bảo vệ biên giới, Hải quan Philippines đã gia tăng số lượng các vụ bắt giữ vào năm 2020 thông qua việc sử dụng các thiết bị an ninh hiện đại, thành lập Trung tâm Hoạt động Hải quan, thực hiện Chương trình Đánh dấu nhiên liệu và đào tạo nhân sự.

Nguồn: Báo Hải Quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: