Số liệu

Tình hình tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA của Việt Nam năm 2020

11 tháng 05. 2021

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2020 đạt 52,76 tỷ USD, chiếm 33,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Trong năm 2020, đã có gần 1 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), tăng 6% về trị giá và tăng 9% về số lượng bộ C/O so với năm 2019.

Về kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá 15,52 tỷ USD. Tiếp đó là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc và ASEAN với trị giá lần lượt là 9,95 tỷ USD và 8,97 tỷ USD. Lượng hàng hóa xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan từ Việt Nam sang thị trường Lào, Campuchia và Cuba có kim ngạch không đáng kể. 

Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA: Thị trường Ấn Độ chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ AIFTA cao nhất với 70%; đứng tiếp theo là thị trường Chile và Hàn Quốc với tỷ lệ tận dụng lần lượt là 65,5% và 52,1%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ thị trường Lào (11,4%) và Campuchia (0,01%) không cao do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp thường tận dụng ưu đãi trực tiếp từ Hiệp định ATIGA. Tính chung tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2020 là 33,1%. Tuy tỷ lệ sử dụng C/O khi xuất khẩu sang một số thị trường có FTA có thể giảm, nhưng số lượng hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi vẫn tăng đều sau từng năm.

Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 33,1% không có nghĩa là gần 67% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao. Thực tế, thuế nhập khẩu MFN tại một số thị trường đã là 0%, hoặc ở mức rất thấp 1-2%, hoặc tương đương với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo FTA. Trong các trường hợp này, doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O ưu đãi khi xuất khẩu bởi việc có hay không có C/O ưu đãi không tạo sự khác biệt về thuế quan. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore có sử dụng C/O mẫu D trong năm 2020 đạt 234 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 7,7% trong 3,05 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, nguyên nhân chủ yếu là do thuế MFN của nước này đã là 0% nên doanh nghiệp không cần thiết xin C/O ưu đãi khi xuất khẩu. Tương tự, Australia và New Zealand đã áp thuế MFN 0% đối với nhiều mặt hàng thủy sản, do đó mặt hàng thủy sản của Việt Nam không cần C/O khi xuất khẩu sang thị trường hai nước này.

Kim ngạch cấp C/O mẫu CPTPP trong năm 2020 đạt 1,37 tỷ USD, bằng 4,02% tổng kim ngạch xuất khẩu sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP khi xuất khẩu sang các thị trường này không cao là do hầu hết các nước đối tác đều đã có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam với quy tắc xuất xứ lỏng hơn và mức thuế suất ưu đãi hơn so với CPTPP trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực. Riêng đối với hai nước Mexico và Canada là hai nước lần đầu tiên có FTA, kim ngạch cấp C/O ở mức khá cao, lần lượt là 867,3 triệu USD và 402 triệu USD, chiếm tỷ lệ khoảng 27,45% và 9,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường này.

Sau 5 tháng triển khai EVFTA, tổng trị giá C/O mẫu EUR.1 cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi 27 nước EU và Anh đã đạt 2,66 tỷ USD, bằng khoảng 14,83% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm 2020 sang thị trường này. Trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn có thể tăng hơn nữa do hiện tại, đối với thị trường EU vẫn đang tồn tại song song 02 ưu đãi GSP và EVFTA, doanh nghiệp vẫn đang áp dụng cả 2 cơ chế này khi xuất khẩu hàng hóa sang EU và lựa chọn C/O mẫu EUR.1 hoặc C/O mẫu A hoặc tự chứng nhận xuất xứ theo cơ chế REX để hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế tương ứng khi xuất khẩu sang EU.

Về cơ cấu mặt hàng: Trong nhóm hàng công nghiệp, tổng kim ngạch giày dép được cấp C/O ưu đãi đạt khoảng 7,33 tỷ USD, giảm khoảng 24% so với năm 2019. Mức giảm kim ngạch cấp C/O đến từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, tương ứng với việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu giày dép sang các thị trường này. Tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi. Theo đó là sản phẩm dệt may có kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 7,3 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 59% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang các thị trường có FTA. Cao su và sản phẩm cao su có kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi là 1,82 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2019, bằng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường có FTA. 

Nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA như thủy sản (68%), gạo (68%), hạt tiêu (65%) và cà phê (48%).

Bảng tổng hợp tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các Hiệp định Thương mại của Việt Nam qua các năm tính đến năm 2020 được đính kèm dưới đây:

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: