Điểm tin

Nỗ lực tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu, Singapore đối mặt thách thức

22 tháng 10. 2021

Cảng Singapore đã sẵn sàng cho việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới tình trạng ùn ứ container khi các chuyến tàu bị chậm trễ trong việc cập cảng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhân lực giảm đi, tàu thuyền chậm trễ và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn trên toàn thế giới.

Singapore, một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không tránh được sự đứt gãy này. Tình trạng tắc nghẽn ở các cảng đầu nguồn khiến tàu thuyền tới đây không đúng với lịch trình. 

Bộ trưởng Giao thông vận tải Singapore Chee Hong Tat cho biết mức độ chính xác của lịch trình hàng hải toàn cầu đã giảm từ 75% xuống còn 35-40% trong năm 2021. Trung bình mỗi chuyến tàu cập cảng muộn hơn dự kiến khoảng 7,5 ngày.

Tuy nhiên, cảng Singapore đặt mục tiêu hạn chế sự tắc nghẽn này bằng cách tăng cường năng lực của chính mình, giúp các hãng tàu định tuyến lại hàng hóa của họ và cải thiện kế hoạch tiếp vận hậu cần.

Ông Chee Hong Tat lấy ví dụ đơn vị điều hành cảng (PSA) tăng công suất hoạt động bằng cách sử dụng bãi trống tại cảng Tuas kể từ tháng 9, giúp họ xử lý thêm 2.000 TEU (mỗi TEU tương đương sức chứa của một container tiêu chuẩn dài 20ft – 6 mét).

Cảng Tuas sẽ mở cửa theo 4 giai đoạn bắt đầu từ năm nay. Sau khi được hoàn thành vào năm 2040, đây sẽ là cảng tự động lớn nhất thế giới với khả năng xếp dỡ 65 triệu container mỗi năm, gần gấp đôi so với con số 36,9 triệu container mà Singapore xử lý trong năm 2020.

Kể từ cuối năm ngoái, PSA cũng đã mở lại tám cầu cảng tại nhà ga Keppel của mình và 18.000 chỗ để cung cấp sức chứa khoảng 65.000 container. Ông Chee cho biết hơn 2.500 công nhân địa phương đã được tuyển dụng để tăng nhân lực lên khoảng 20%.

“Bằng cách dựa vào khả năng kết nối tuyệt vời cũng như danh tiếng về mức độ hiệu quả và tin cậy, chúng tôi đã trở thành bến đỗ để các hãng tàu bắt kịp lại thời gian và sự liên kết đã bị gián đoạn, đồng thời giải quyết một số vấn đề trong hoạt động cho họ”, ông Chee Hong Tat cho biết.

Chúng tôi cung cấp một loạt các dịch vụ khác nhau cho các hãng tàu. Họ không chỉ bốc xếp hàng hóa mà còn có thể thực hiện nhiều hoạt động khác, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ tiếp vận. Chúng tôi còn là cảng duy nhất cung cấp một loạt các dịch vụ khác nhau cho các hãng tàu, vì vậy họ không chỉ bốc xếp hàng hóa mà còn có thể lưu kho, cung ứng và thay đổi thủy thủ đoàn".

Ngoài các hoạt động khai thác cảng, ông Chee Hong Tat cho biết PSA đang xúc tiến dòng chảy cung ứng các loại hàng hóa quan trọng và nhạy cảm với thời gian như vật liệu bán dẫn, để tránh gián đoạn lịch trình sản xuất.

Đơn vị này cũng đang làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Singapore để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng hàng hóa từ Trung Quốc đến, giúp một số dự án địa phương hoàn thành đúng tiến độ.

Đây là những điều chúng tôi có thể làm, cố gắng để đặt được thỏa thuận tối ưu nhằm giảm thiểu độ trễ và tăng cường khả năng lập kế hoạch”, ông Chee Hong Tat nói.

Điều này đòi hỏi chúng tôi phải chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan để biểu thị rõ ràng hơn về vị trí của các điểm tắc nghẽn. Không có lý do gì để vội vã cập cảng nếu biết trước sẽ phải chờ đợi lâu ở nơi đó”.

Tuy nhiên, cảng Singapore cũng phải đánh đổi khi thực hiện những hoạt động này. Hàng dài tàu thuyền chờ đợi và container chất đống trong kho bãi là cái giá phải trả.

"Điều đó có nghĩa là những thùng hàng đọng lại ở đây lâu hơn nhiều so với trước. Những container tồn dài hạn cũng tăng thêm áp lực lên hệ thống vận hành của chúng tôi", Bộ trưởng GTVT Singapore nói.

"Khi nhiều tàu thuyền cập bến Singapore hơn để tận dụng những thứ mà tôi đã nhắc đến vừa xong, chúng sẽ nối thêm vào hàng dài chờ đợi".

Ông Chee Hong Tat cho rằng điều này là không thể tránh được, khi tất cả các bên đều muốn tái thiết chuỗi cung ứng càng nhanh càng tốt, nhưng Singapore sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ, chia sẻ thông tin để các hãng tàu có thể lên kế hoạch phù hợp.

Thành thật mà nói, điều này sẽ không loại bỏ hoàn toàn các nút thắt và tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Chee Hong Tat cho biết.

Những gì chúng tôi muốn làm là đóng vai trò một cảng trung tâm toàn cầu, để có thể giảm thiểu mức độ của vấn đề mà các hãng tàu và khách hàng của họ đang gặp phải”.

Nguồn: Cổng thông tin ASEAN Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: