Năm 2022, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 22,4 tỷ USD, tương đương 5,6% GDP danh nghĩa song vẫn thấp hơn tỷ lệ 9% của Malaysia. Tuy nhiên, con số này được dự báo có thể sớm vượt qua Malaysia trong các năm tới.
Năm 2022, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới trên GDP của Việt Nam đạt khoảng 4,4%, cao nhất trong khu vực ASEAN, tuy nhiên nếu xét theo số vốn giải ngân thì vẫn thấp hơn Malaysia.
Cụ thể, trong năm ngoái vốn FDI giải ngân vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 22,4 tỷ USD, tương đương 5,6% GDP danh nghĩa. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với Indonesia (đạt 3,5%) hay Thái Lan, Philippines (chỉ khoảng 2 - 3%) nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng 9% của Malaysia, đây cũng mức cao nhất trong nhóm các quốc gia đang phát triển tại khu vực ASEAN.
Vì sao FDI giải ngân/GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn Malaysia?
Vốn FDI đăng ký mới/GDP của một số quốc gia ASEAN. (Nguồn: World Bank, Hạ An tổng hợp).Nguyên nhân của hiện tượng nói trên là do việc giải ngân vốn FDI sẽ được trải dài qua các năm và phụ thuộc vào giá trị vốn đăng ký mới từ các năm trước đó. Vốn đăng ký được tính tại năm 2021 nhưng sẽ được giải ngân dần trong các năm và đó mới là số vốn thực tác động vào nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, Malaysia đã rất thành công trong thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng và đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn.
Năm 2021, Malaysia từng có những dự án quy mô hàng tỷ USD như dự án Risen Energy của nhà đầu tư từ Trung Quốc với tổng vốn 10,1 tỷ USD hay dự án của Intel Corp trị giá 7,1 tỷ USD.
Chỉ hai dự án này đã có tổng vốn đầu tư 17,2 tỷ USD, bằng khoảng 54% số vốn đăng ký của Việt Nam trong năm 2021. Đây là
Các dự án đăng ký mới với số vốn khủng này là tiền đề để dòng vốn FDI giải ngân của nước này đạt kết quả vượt trội trong năm 2022.
Bên cạnh đó, ngành bán dẫn cũng là lĩnh vực mà Malaysia đang có thế mạnh hơn Việt Nam. Tờ Nikkei mới đây cũng đánh giá Malaysia hiện là nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới. Quốc gia này đã thực hiện chiến lược thu hút FDI cho lĩnh vực này từ nhiều năm nay và đã đạt những kết quả đáng kể.
Theo báo cáo từ HSBC, ngành công nghiệp bán dẫn là trung tâm của thế mạnh sản xuất của nước này. Malaysia đã giành được thị phần đáng kể ở một số chất bán dẫn trong những năm qua nhờ dòng vốn công nghệ ổn định, chủ yếu từ Mỹ và Châu Âu.
Điều này được phản ánh rõ ràng nhất tại một số phần của phân ngành mạch tích hợp (IC), với thị phần tăng đột biến đạt gần 45% chỉ sau một năm. Chip xử lý và chip khuếch đại mỗi loại cũng chiếm 10% thị phần thế giới.
Việc tiếp tục thu hút FDI chất lượng cao là một trong những ưu tiên của Thủ tướng Malaysia Anwartrong kế hoạch kinh tế 10 năm đầy tham vọng của mình vì cho rằng đây là chìa khóa để vực dậy lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, việc tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và số vốn lớn là một trong các nguyên nhân giúp Malaysia có tỷ lệ vốn giải ngân FDI/GDP cao hơn Việt Nam trong năm 2022.
FDI giải ngân 11 tháng đầu năm cao kỷ lục
Việt Nam cũng đang có những biến tiến đáng kể trong thu hút vốn ngoại. Ngay trong năm 2023, cả vốn FDI đăng ký mới và giải ngân của Việt Nam đều đạt những kết quả tích cực. Chỉ trong tháng 10, vốn FDI đăng ký mới đã đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng tới 50,2% so với tháng 10 năm. Đây cũng là tháng có số vốn FDI đăng ký mới cao nhất kể từ tháng 1/2020.
"Vốn đầu tư mới tuy giảm 11,6 điểm % so với 10 tháng 2023 do tháng 11 không có nhiều dự án đầu tư lớn như trong tháng 10, song vẫn duy trì được mức tăng khá cao so với cùng kỳ", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Tính đến 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng.
Xét về vốn thực hiện, tính tới ngày 20/11, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023 .
Việt Nam đã thu hút một lượng dự án FDI đáng kể, trong đó có dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà với quy mô 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh trị giá gần 700 triệu USD.
Nhận định rằng nhu cầu phục hồi tại các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch thành lập dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển biến tích cực của dòng vốn FDI trong những tháng qua. Ngoài ra, với lợi thế lớn về trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, Việt Nam cũng đang tích cực thu hút dòng vốn FDI để phát triển ngành bán dẫn.
Năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Mỹ và mới đây là Nhật Bản, những động thái này được các chuyên gia đánh giá sẽ giúp Việt Nam thu hút một lượng vốn FDI đáng kể trong những năm tiếp theo.
Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), so với Malaysia, Việt Nam có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn là đất hiếm.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao. Với trữ lượng đứng thứ hai thế giới, Việt Nam có những cơ hội, lợi thế để khai thác, hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng
"Việt Nam không nên xuất khẩu đất hiếm mà phải coi đó là một lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư FDI từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… vào công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước cứ điểm của sản xuất thế giới", GS. Mại lưu ý và dự báo, thu hút FDI sắp có bước đột phá không chỉ tăng thêm vài tỷ USD mà có thể lên tới hàng chục tỷ USD trong năm 2024.
Với những nỗ lực kể trên, Việt Nam được dự báo là sẽ sớm vượt qua Malaysia trong thu hút vốn FDI và cả tỷ lệ vốn giải ngân/GDP. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Việt Nam vẫn cần phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính nếu muốn vượt qua các đối thủ trong ASEAN và cả các đối thủ trên thế giới.
"Không ai nghi ngờ về việc sắp tới các tập đoàn lớn từ EU và Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam nhưng vấn đề còn lại là chúng ta phải làm gì để tranh thủ cơ hội này", chuyên gia đặt vấn đề và lưu ý ba vấn đề Việt Nam cần quan tâm đầu tiên là ban hành cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp FDI sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuẩn bị nguồn nhân lực cho những ngành mới như chất bán dẫn.
Nguồn: Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: