Điểm tin

Thị trường trung tâm dữ liệu: Thấy gì từ Malaysia?

19 tháng 06. 2024

Malaysia có chính sách đặc thù cho trung tâm dữ liệu, nước này đã đưa ra sáng kiến “Con đường xanh” vào năm 2023 để hợp lý hóa việc phát triển nguồn điện.

Khi thông tin trở thành một loại tài nguyên hái ra tiền thì dịch vụ trung tâm dữ liệu ra đời, bao gồm các hoạt động chính: thuê chỗ đặt, thuê thiết bị và các thành phần liên quan đến hệ thống trung tâm dữ liệu.

Quan trọng hơn, sự hiện diện của những công ty công nghệ khổng lồ là minh chứng cho thấy uy tín quốc gia, sự ưu việt của môi trường đầu tư, kinh doanh... là tiền đề phát sinh thêm các lĩnh vực kinh tế dịch vụ kèm theo.

Ví dụ, để người dùng tại châu Á có thể thoải mái sáng tạo nội dung số như video, văn bản, hình ảnh,… Facebook hoặc Tiktok phải xây dựng các trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu rất lớn tại Singapore.

Malaysia đang nổi lên như một cường quốc về trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á khi nhu cầu về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) tăng cao. Trong thời gian ngắn, quốc gia này đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào trung tâm dữ liệu, từ những gã khổng lồ công nghệ như Google, Nvidia và Microsoft.

Phần lớn các khoản đầu tư tập trung vào thành phố nhỏ Johor Bahru của Malaysia, nằm ở biên giới với Singapore. “Có vẻ như trong vài năm nữa, Johor Bahru sẽ vượt qua Singapore để trở thành thị trường lớn nhất Đông Nam Á từ con số 0” - James Murphy, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu trung tâm dữ liệu DC Byte, nhận định.

Công suất của trung tâm dữ liệu thường được đo bằng lượng điện mà nó tiêu thụ. Nếu tất cả công suất theo kế hoạch đều được đưa vào hoạt động trên khắp châu Á, Malaysia sẽ chỉ đứng sau các siêu cường Nhật Bản và Ấn Độ.

Các trung tâm dữ liệu AI cần nhiều không gian, năng lượng và nước để làm mát. Do đó, các thị trường mới nổi như Malaysia - nơi năng lượng và chi phí thuê đất rẻ - mang lại lợi thế so với các quốc gia nhỏ hơn như Singapore, nơi những nguồn tài nguyên này còn hạn chế.

Malaysia có chính sách đặc thù cho trung tâm dữ liệu, nước này đã đưa ra sáng kiến “Con đường xanh” vào năm 2023 để hợp lý hóa việc phát triển nguồn điện, giảm thời gian thực hiện xuống còn 12 tháng đối với các trung tâm dữ liệu.

Ngành trung tâm dữ liệu đồ sộ tại Singapore khiến đảo quốc này bị quá tải nguồn điện, thiếu nước ngọt, tài nguyên đất đai hạn hẹp, nên việc chuyển dịch đến quốc gia cận biên Malaysia là giải pháp tối ưu.

Do vậy, phát triển trung tâm dữ liệu là bài toán hóc búa liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng, ước tính ngành trung tâm dữ liệu ở Malaysia sẽ đạt tổng nhu cầu tối đa là 5 GW vào năm 2035 trong khi đó công suất điện lắp đặt hiện tại trên toàn Malaysia là khoảng 27 GW.

Việt Nam nắm giữ lợi thế không nhỏ để thu hút trung tâm dữ liệu, nhờ nguồn nước dồi dào, không gian đất đai rộng lớn. Các chuyên gia dự báo nền kinh tế số Việt Nam sẽ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, với giá trị dự kiến khoảng 45 tỷ USD vào năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 10,7% vào 2028.

Với tiềm năng về con người, cơ cấu độ tuổi và dung lượng thị trường số, chuyên gia từ JLL nhận định rằng việc Google, Amazon, Microsoft, Tencent đầu tư trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.

Nhưng vấn đề lớn nhất là nguồn cung điện trong bối cảnh thủy điện không ổn định trong mùa khô, năng lượng tái tạo vướng cơ chế, nhiệt điện dần bị loại bỏ theo cam kết giảm phát thải.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: