Điểm tin

Châu Á sẽ cần nhiều năng lượng hơn để hỗ trợ phát triển AI

28 tháng 06. 2024

Để chuẩn bị cho việc áp dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (AI), các công ty điều hành trung tâm dữ liệu sẽ tăng cường đầu tư để mở rộng năng lực tại châu Á trong những năm tới.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cho AI sẽ tiêu tốn nhiều điện năng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một cuộc trò chuyện trên ChatGPT có thể cần nhiều điện năng hơn gấp 10 lần so với tìm kiếm trên Google.

Vì vậy, khi năng lực tính toán bổ sung được đưa vào hoạt động, nhiều quốc gia châu Á có khả năng sẽ chứng kiến nhu cầu điện tăng đột biến hơn so với nhiều năm qua. Ở một số quốc gia, mức tiêu thụ điện thậm chí có thể tăng gấp đôi.

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào lưới điện cũng đang trở thành nút thắt đối với sự phát triển của các trung tâm dữ liệu thời đại mới cũng như việc áp dụng AI. Các quốc gia như Hoa Kỳ và Singapore đã hạn chế việc mở rộng năng lực của các trung tâm dữ liệu trong những năm gần đây khi thị trường điện thắt chặt. Tuy nhiên, Singapore hiện có ý định tiếp tục bổ sung năng lực cho trung tâm dữ liệu sau khi sắp xếp các kế hoạch để tăng thêm sản lượng điện.

Theo Mayank Maheshwari, Giám đốc điều hành và nhà phân tích nghiên cứu năng lượng Ấn Độ và Đông Nam Á tại Morgan Stanley, việc cung cấp nguồn điện ổn định hơn để thúc đẩy tăng trưởng AI của châu Á sẽ là điều cần thiết.

Morgan Stanley dự kiến khu vực này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm 20% về công suất trung tâm dữ liệu cho đến năm 2027. Các trung tâm dữ liệu trong khu vực sẽ cần gấp đôi lượng điện năng sử dụng vào năm 2027 so với năm 2023, và gấp gần ba lần cho đến năm 2030.

Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan đều đang thu hút các khoản đầu tư lớn từ các công ty cơ sở hạ tầng công nghệ quy mô lớn. Nhờ vào cơ sở hạ tầng điện năng đáng tin cậy của họ, Microsoft và Amazon gần đây đã thông báo kế hoạch mở rộng các trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á, trong khi Nvidia đã hợp tác với YTL Power của Malaysia để đảm bảo sẵn nguồn điện năng ổn định và sạch cho trung tâm dữ liệu mới dựa trên chip AI.

Thực tế cho thấy, Đông Nam Á đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng AI vì giá điện và đất đai phải chăng, kết nối dễ dàng với lưới điện và dự án đầu tư ngành điện dự kiến có tổng giá trị 50 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Giá điện trung bình tại châu Á khoảng 60 USD/megawatt/giờ, có tính cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, cường độ điện trên một megawatt ở Đông Nam Á cao hơn do nhiệt độ môi trường xung quanh cao.

Trung tâm dữ liệu được kết nối với lưới điện càng nhanh thì càng có thể mở rộng quy mô hoạt động và tạo ra lợi nhuận nhanh hơn. Chuyên gia Maheshwari chỉ ra, thời gian cấp điện là "chìa khóa", đặc biệt đối với các trung tâm dữ liệu AI.

Khả năng cung cấp điện dự phòng tại Malaysia đã mang đến hơn 70 đơn xin kết nối từ các trung tâm dữ liệu với nhà điều hành lưới điện Tenaga Nasional. Theo thời gian, các trung tâm dữ liệu này có thể tăng gần gấp đôi nhu cầu điện tại Malaysia.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, các khoản đầu tư của các công ty quy mô lớn có thể đảo ngược tình trạng nhu cầu điện giảm trong nhiều thập kỷ. Vào tháng 1, Tổ chức Điều phối Truyền tải Liên vùng của Nhật Bản dự báo rằng các trung tâm dữ liệu và nhà máy bán dẫn mới sẽ làm tăng nhu cầu điện trong nước lên tới 4,82 GW vào năm 2030. 

Hầu hết các công ty siêu quy mô đều có mục tiêu cung cấp điện sạch phù hợp với các công ty điện đang tìm cách giảm phát thải bằng cách mở rộng công suất phát điện từ năng lượng mặt trời và gió. Trong số 95 GW công suất phát điện mới mà Morgan Stanley dự báo sẽ được đưa vào sử dụng tại châu Á cho đến năm 2030, 57 GW sẽ đến từ năng lượng tái tạo.

Châu Á vẫn là một trong những khu vực cạnh tranh nhất thế giới về sản xuất điện sạch. Khi nhiều quốc gia phát triển năng lực cơ sở hạ tầng xanh, giá điện sạch có khả năng sẽ tiếp tục giảm.

Khi được bổ sung thêm năng lượng từ khí đốt, việc sản xuất điện sạch có thể cung cấp điện 24/7 với mức giá cạnh tranh so với sản xuất điện từ than. Trong tương lai gần, các trung tâm dữ liệu của châu Á có khả năng sẽ chủ yếu dựa vào nguồn điện chạy bằng khí đốt.

Trong thập kỷ qua, khi khối lượng công việc của các trung tâm dữ liệu tăng lên nhiều lần, các công ty siêu quy mô đã cải thiện hiệu quả năng lượng thành công. Tăng trưởng tiêu thụ điện hàng năm được duy trì ở mức một chữ số từ năm 2012 đến năm 2022. Có thể kỳ vọng hiệu quả cao hơn trong tương lai khi nhiều trung tâm dữ liệu làm mát bằng chất lỏng được đưa vào sử dụng.

Ông Maheshwari nhận định: "Châu Á có tiềm năng thúc đẩy việc áp dụng AI thông qua đầu tư vào nguồn điện giá cả phải chăng và đáng tin cậy, đất đai giá rẻ, lưới điện tốt và các ưu đãi về chính sách. Nếu khu vực này có thể kết hợp tất cả các yếu tố trên, điều này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của các trung tâm dữ liệu mới".

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: