Ngành mía đường Việt Nam vừa đạt một cột mốc ấn tượng khi lần đầu tiên dẫn đầu khu vực ASEAN về năng suất. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành này là nhờ vào việc ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ hiện đại trong sản xuất.
Ngành mía đường Việt Nam vừa đạt một cột mốc ấn tượng khi lần đầu tiên dẫn đầu khu vực ASEAN về năng suất. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành này là nhờ vào việc ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ hiện đại trong sản xuất.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết năng suất đường của Việt Nam niên vụ 2023/2024 đã đạt 6,79 tấn đường/ha, cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là Gia Lai, đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong sản xuất mía đường. Gia Lai hiện có vùng nguyên liệu mía lớn nhất với hơn 40.000 ha. Hai nhà máy lớn ở đây, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai và Nhà máy đường An Khê, đã đạt sản lượng đường lên tới 215.000 tấn trong niên vụ 2023/2024, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Tại Phú Yên, niên vụ vừa qua cũng cho thấy những kết quả tích cực khi diện tích trồng mía đạt hơn 26.000 ha, năng suất đạt 65,63 tấn/ha, mang lại sản lượng hơn 1,8 triệu tấn mía. Các công ty như Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã tích cực hỗ trợ nông dân về giống, phân bón và nâng cấp hạ tầng giao thông nội đồng, giúp cải thiện năng suất và chất lượng mía.
Ứng dụng công nghệ 4.0 và cơ giới hóa
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu như làm đất, thu hoạch, và tưới tiêu đã giúp ngành mía đường Việt Nam gia tăng năng suất đáng kể. Hiện nay, hơn 90% khâu làm đất trong sản xuất mía đã được cơ giới hóa, nhưng các khâu khác như chăm sóc, làm cỏ và bón phân vẫn còn hạn chế.
Một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh mẽ vào thiết bị cơ giới để thực hiện quy trình sản xuất chuyên nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch, giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí. Đặc biệt, cả nước đã có hơn 50 máy thu hoạch mía liên hợp, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu thu hoạch mía bằng máy.
Các nhà máy đường cũng đang áp dụng các phương pháp tưới tiêu tiên tiến như tưới phun và tưới nhỏ giọt. Một số khu vực đã sử dụng máy bơm chạy bằng năng lượng mặt trời để tưới tiêu, giúp nâng cao năng suất và chất lượng mía rõ rệt. Đồng thời, nhiều nhà máy đã áp dụng công nghệ 4.0 từ Mỹ và Australia trong quản lý và vận hành, hỗ trợ nông dân theo dõi các yếu tố canh tác như thời gian làm đất, bón phân, phun thuốc và thu hoạch. Việc này giúp phát hiện sớm các bất thường trên đồng ruộng, từ đó tối ưu hóa quy trình canh tác và hạn chế rủi ro.
Về mặt giống mía, Viện Nghiên cứu Mía đường đã thử nghiệm 23 giống mía mới tại các vùng sinh thái khác nhau. Kết quả cho thấy một số dòng giống như VN12-9-2, VN12-64-25 và U-thong 15 đạt năng suất và chất lượng cao, hứa hẹn mở ra những tiềm năng mới cho ngành đường Việt Nam.
Thách thức đối với ngành mía đường
Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng, ngành mía đường Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là đường nhập lậu từ các nước láng giềng như Thái Lan và Lào, gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Vấn nạn này không chỉ làm gia tăng tồn kho mà còn khiến nhiều doanh nghiệp và nông dân gặp khó khăn.
Ngoài ra, niên vụ 2024-2025 dự báo sẽ gặp nhiều thách thức về thời tiết khi hiện tượng La Nina có thể gây mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất mía, đặc biệt là tại các khu vực phía Bắc và miền Trung.
Trước những thách thức này, các doanh nghiệp mía đường đang nỗ lực củng cố chuỗi liên kết sản xuất, tăng cường đầu tư vào vùng nguyên liệu và nâng cấp công nghệ chế biến. Đồng thời, họ cũng mong muốn có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thị trường và ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dự kiến trong vụ ép 2024-2025, diện tích mía thu hoạch, sản lượng mía ép và sản lượng đường sẽ tiếp tục tăng. Các doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, củng cố vùng nguyên liệu, đồng thời ngăn chặn gian lận thương mại để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành đường Việt Nam.
Việt Nam hiện có 25 nhà máy đường đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 124.000 tấn mía/ngày. Trong niên vụ tới, dự kiến diện tích trồng mía và sản lượng đường sẽ tiếp tục tăng, góp phần ổn định thị trường và đảm bảo lợi ích cho người trồng mía, doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng.
Việc Việt Nam dẫn đầu ASEAN về năng suất mía đường không chỉ thể hiện sự phục hồi của ngành mà còn mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp chế biến, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử ASEAN
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: