Điểm tin

Mỹ miễn thuế đối ứng với hàng điện tử sẽ tái định hình bối cảnh sản xuất của ASEAN

23 tháng 04. 2025

Theo thông tin mới cập nhật trên trang Thailand Business News, việc Mỹ miễn trừ thuế đối ứng đối với hàng điện tử, bao gồm các sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính, chất bán dẫn và các sản phẩm linh kiện chính, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến bối cảnh sản xuất của khu vực Đông Nam Á.

Động thái này được nhận định sẽ tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội cho các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một khu vực vốn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.

Được biết, việc Mỹ quyết định miễn thuế đối ứng 10% đối với hàng điện tử đánh dấu thời điểm then chốt đối với thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Động thái mang tính chiến lược này nhấn mạnh sự thay đổi trong cách tiếp cận của các công ty Mỹ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào sản xuất của thị trường Trung Quốc. Từ đó, khu vực Đông Nam Á trở thành một đối tác hấp dẫn với khả năng sản xuất cạnh tranh và sự hội nhập ngày càng tăng trong các mạng lưới điện tử toàn cầu.

Cập nhật về phân tích cho rằng việc Mỹ miễn thuế với hàng điện tử sẽ tái định hình bối cảnh sản xuất của Đông Nam Á, các tác động có thể nhìn thấy gồm:

Thúc đẩy xuất khẩu hàng điện tử của ASEAN

Khu vực Đông Nam Á đã nổi lên như một trung tâm quan trọng cho sản xuất điện tử, với các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Singapore đóng vai trò chủ chốt. Do đó, quyết định miễn thuế quan sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu ASEAN trên thị trường Mỹ, vì sản phẩm của các nước trong khu vực có chi phí thấp hơn so với hàng hóa không được miễn thuế hoặc hàng hóa chịu thuế cao.

Về tác động chính, miễn thuế sẽ giúp tăng khối lượng xuất khẩu của khu vực.

Điều này được thể hiện vào năm 2024, hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ASEAN đạt 352,3 tỷ USD, trong đó hàng điện tử chiếm gần 20% (tăng từ 10% trong năm 2017). Ưu đãi miễn thuế, bao phủ khoảng 100 tỷ USD hàng điện tử nhập khẩu, có khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm do ASEAN sản xuất như chất bán dẫn, bảng mạch in, máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Thị phần xuất khẩu hàng điện tử toàn cầu của ASEAN dự kiến sẽ tăng gần 90% vào năm 2031, qua đó đạt hơn 3 nghìn tỷ USD và động thái miễn trừ thuế này sẽ góp phần đẩy nhanh xu hướng này.

Tăng mức độ đầu tư

Ngoài ra, khu vực ASEAN cũng sẽ chứng kiến sự gia tăng lớn về mức độ đầu tư. Cụ thể, ASEAN đã chứng kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với ngành điện tử tăng, được thúc đẩy bởi chi phí lao động cạnh tranh, các khu công nghiệp và các hiệp định thương mại. Cộng thêm ưu đãi miễn thuế đối ứng này, khả năng cao sẽ đẩy nhanh đầu tư vào các nhà máy chế tạo chất bán dẫn, cơ sở thử nghiệm chip và các trung tâm R&D.

Trong một thông tin có liên quan, các nhà phân tích nhận định, việc Mỹ miễn thuế đối ứng với hàng điện tử sẽ góp phần tăng cường tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu của ASEAN. Điều này sẽ củng cố khả năng hội nhập của ASEAN vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.

Tác động dài hạn đối với bối cảnh sản xuất của ASEAN

Có thể nói rằng, việc miễn thuế có thể thúc đẩy sự thay đổi cơ cấu trong bối cảnh sản xuất của Đông Nam Á với nhiều tác động lâu dài:

Bằng cách củng cố vai trò của ASEAN trong lĩnh vực điện tử, Mỹ miễn trừ thuế đối ứng với hàng điện tử sẽ định vị khu vực là nền tảng của chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Đầu tư vào các nhà máy sản xuất chất bán dẫn, nhà máy thử nghiệm và R&D sẽ thúc đẩy nâng cấp công nghệ trên toàn khu vực.

Ngoài ra, nó cũng sẽ hỗ trợ ASEAN tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Tuy nhiên, để tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường Mỹ, các nước ASEAN phải đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu và tăng cường thương mại nội khối.

Để duy trì tăng trưởng, chính phủ các nước ASEAN phải tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tinh giản quy định và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động. Các khu vực thương mại tự do, ưu đãi thuế và các hiệp định thương mại sẽ rất quan trọng để thu hút FDI.

Nguồn: Báo Huế ngày nay
 

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: