Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được chính thức hình thành hôm nay 31-12-2015, nhưng về mặt kinh tế như nội hàm của AEC thì không có sự thay đổi đáng kể nào với Việt Nam trong năm 2016, do trên thực tế Việt Nam đã mở cửa cho hàng hóa ASEAN từ lâu và vẫn đang tiếp tục cắt giảm thuế suất theo lộ trình cam kết.
Theo thỏa thuận, trong năm 2016 sẽ có thêm một số dòng thuế được đưa về 0%; và hơn 70 dòng thuế ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ tiếp tục giảm thêm theo một lộ trình từ trườc.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong năm 2015 có 8.603 dòng thuế (hàng hóa từ ASEAN vào Việt Nam - PV) đã được đưa về 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN. Đến năm 2016 có tổng cộng 8.618 dòng thuế được đưa về 0%, tức là trong năm 2016 chỉ có thêm 15 dòng thuế so với năm 2015. Cụ thể, 15 dòng này là các mặt hàng xăng dầu.
Ngoài ra, trong năm 2016 cũng có 77 dòng thuế ô tô nguyên chiếc sẽ tiếp tục được cắt giảm xuống 40% từ mức 50% năm 2015. Thuế ô tô nguyên chiếc sau đó sẽ giảm xuống còn 30% vào năm 2017 và xuống 0% đến năm 2018.
Trước đó, trong một cuộc trao đổi với báo chí bên lề một hội thảo vào khoảng cuối tháng 11-2015 tại TPHCM, một lãnh đạo Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết cột mốc chính thức thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31-12-2015 nhìn chung mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn, vì tiếng nói của ASEAN từ nay là một tiếng nói chung của 10 nước.
Trong khi đó, các cam kết về mở cửa, hội nhập trong nội khối ASEAN đã và đang được thực hiện theo lộ trình được vạch ra từ 20 năm nay. Trong đó, từ nay đến năm 2018, sẽ còn 669 dòng thuế (chiếm 7% tổng biểu thuế) sẽ được đưa xuống 0% vào năm 2018.
Theo ông này, về cơ bản, cam kết của Việt Nam trong giảm thuế cho các nước ASEAN là cao nhất cho đến nay (tức so với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia cho đến nay).
“Nếu nói doanh nghiệp thịt gà lo ngại hàng nhập từ các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì thực ra doanh nghiệp nên lo ngại thịt gà từ Thái Lan thay vì từ TPP, vì nước này gần hơn với Việt Nam về mặt địa lý và chi phí sản xuất thịt gà của họ cũng thấp hơn”, vị này cho biết.
Với AEC, điểm đáng chú ý hơn cả trong năm nay là vấn đề tự do luân chuyển lao động vì các nước ASEAN cũng sẽ công nhận bằng cấp của nhau trong 8 ngành nghề (bác sĩ, y tế, nha sĩ, kỹ sư, trắc địa viên, kế toán, kiến trúc sư và người làm trong ngành du lịch - PV). Tuy nhiên, người lao động từ ASEAN muốn qua làm việc tại các nước thành viên vẫn phải xin giấy phép lao động dành cho người nước ngoài.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: