Một năm gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đã tạo nên sức ép đổi mới thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Đánh giá sau một năm gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, các cam kết pháp lý, các thỏa thuận, tuyên bố và lời hứa hợp tác như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS); Hiệp định về di chuyển thể nhân; Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)… cùng các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau hay những lĩnh vực hợp tác khác đều chưa đạt được nhiều tiến bộ như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa thu được những hiệu quả tích cực về tình hình xuất khẩu, sự phát triển của các lĩnh vực, ngành hàng như thương mại bán lẻ, dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục, y tế.Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Quang Phòng, từ khi có AEC cùng các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới, đã tạo nên sức ép đổi mới thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, đồng thời góp phần nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Đại diện nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc, Trung tâm WTO và hội nhập nhận định, sau 1 năm AEC chính thức có hiệu lực, với 9 thị trường trong khối ASEAN được tháo bỏ rào cản thuế quan đã mở ra cơ hội xuất khẩu to lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chưa khi nào, các quy trình lưu chuyển hàng hóa trở nên thống nhất và thuận lợi đến thế với cơ chế một cửa ASEAN; hệ thống hải quan điện tử quá cảnh; các quy trình đánh giá tuân thủ được thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN và cùng áp dụng chung một biểu thuế quan hài hòa ASEAN.
Hơn thế nữa, theo bà Trang, việc mở cửa thị trường rộng lớn, thống nhất và sôi động trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng như các nước thành viên trong khu vực được cùng hưởng lợi về thị trường đầu ra cho sản phẩm, thị trường đầu vào, thị trường nguồn lao động. Nền tảng chính sách tốt hơn về cạnh tranh và đầu tư, nền tảng hạ tầng về giao thông, năng lượng và công nghệ thông tin hoàn thiện hơn, nền tảng về quản trị và tiêu dùng….
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa nhập khẩu. Xét về năng lực cạnh tranh, Việt Nam khó có thể là đối thủ ngang sức, ngang trình độ so với nhiều nước khác trong khu vực ASEAN, bà Trang phân tích. Và cũng kể từ khi AEC có hiệu lực thì những ràng buộc về quy chuẩn kỹ thuật đã vuột khỏi tầm kiểm soát và nằm trên hệ thống pháp luật của quốc gia. Đây cũng là khó khăn và thiệt thòi đối với các doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Đánh giá về khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) trong AEC, bà Bùi Kim Thùy, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết, trong 11 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN là 15,7 tỷ USD và dự kiến cả năm khoảng 18 tỷ USD; trong đó, có 5 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu được tận dụng ưu đãi của ATIGA, tương đương với tỷ lệ khoảng 32%. Như vậy là thấp so với các FTA khác mà Việt Nam đã ký.
Nguyên nhân được xác định là do các cam kết về quy tắc xuất xứ quá khó khăn và phần lớn doanh nghiệp hiện nay chưa đủ thực lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu trong khu vực.
Đại diện tiếng nói của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng cho biết, với khoảng 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này thì chỉ có 1.300 doanh nghiệp hoạt động tính cực và có hiệu quả; trong đó 54% các doanh nghiệp đang làm ăn hơp tác các thị trường trong AEC.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp logistics hiện nay là việc thành lập các hiện diện thương mại tại các nước ASEAN và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được với yêu cầu của nhiều nước phát triển trong khu vực do hạn chế về công nghệ thông tin; về trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế khó lòng tận dụng AEC cùng những thuận lợi, cơ hội để phát triển.
Theo lý giải của ông Tương, AEC khó đi vào cuộc sống và đem lại tác động tích cực ngay đối với các doanh nghiệp logistics là vì các doanh nghiệp còn chưa nhiều quan tâm, bởi những cam kết phải thực hiện theo AEC là cả quá trình chứ không phải những bắt buộc lập tức.
Thêm nữa, việc tuyên truyền về AEC từ các cấp ngành có liên quan còn quá yếu và thiếu. Doanh nghiệp chỉ mới tiếp cận được thông tin Việt Nam cam kết những gì, mở cửa thị trường bao nhiêu phần trăm, cắt giảm thuế đối với bao nhiêu danh mục mặt hàng… song thông tin về các nước đối tác, về những cam kết của những nước thành viên thuộc AEC, tỷ lệ mở cửa thị trường ở nước họ, những quy định về vi phạm hay những ưu đãi đầu tư ra sao… thì rất thiếu hoặc chưa được làm đầy đủ. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp dù biết nhưng chưa được hiểu đầy đủ, chưa biết làm thế nào để biến thách thức thành cơ hội, thậm chí chưa biết cách tận dụng những lợi thế và ưu đãi gì từ AEC…
Khẳng định điều này, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, đã có 46,79% doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin về AEC. Trong gần 94% doanh nghiệp biết về AEC thì chỉ có 16,4% doanh nghiệp thực sự hiểu rõ về AEC và các cam kết pháp lý có liên quan. Nguyên do là doanh nghiệp quá thiếu những thông tin bổ ích, những kênh tiếp cận hữu hiệu và thuận lợi để nắm bắt thông tin thị trường, thông tin đối tác, thông tin hàng hóa theo các cam kết hoặc về những đối tác cạnh tranh trong khu vực.
Đồng tình với quan điểm của hiệp hội và VCCI, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Chuyên gia cao cấp về hội nhập ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, chưa tận dụng được AEC chính là do nhận thức của phần đông người Việt Nam, của tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Hầu như 100% dân chúng đều biết về AEC nhưng tỷ lệ biết rõ, hiểu rõ về AEC thì rất thấp.
Mặc dù, cộng đồng đều có chung cảm nhận tích cực về AEC và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam. Song hầu hết họ đều hoài nghi về khả năng tiến triển và thực thi của AEC.
“Nhận thức về AEC cũng cần phải thoát khỏi tư duy cũ, đừng chỉ nhìn vào kim ngạch xuất khẩu. Ngoài thương mại hàng hóa, hãy nhìn cơ hội từ AEC ở góc độ rộng lớn hơn như về sản xuất tiêu dùng, về dịch vụ, đầu tư, du lịch, giáo dục… Quan trọng nhất, AEC đang mang lại cơ hội kết nối để tiến tới nền kinh tế Xanh, kinh doanh văn hóa biểu tượng, công nghệ thông tin….”, ông Thành nhấn mạnh.
Nguồn: TTXVN
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: