Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy việc thành lâp AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
I. Tổng quan về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC):
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 tổ chức vào tháng 2 năm 2009 tại Thái Lan, các Nhà Lãnh đạo đã đưa ra Tuyên bố Cha-am Hua Hin về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015) với 3 trụ cột chính là: Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN.
Hội nghị cũng thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN với các biện pháp và lịch trình cụ thể thực hiện AEC, bao gồm các nội dung:
(i) Xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất thông qua các biện pháp dỡ bỏ các rào cản đối với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động kỹ năng cũng như tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển tự do hơn của dòng vốn, các biện pháp về các lĩnh vực ưu tiên hội nhập.
(ii) Đưa ASEAN thành một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở thực thi chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử.
(iii) Phát triển kinh tế đồng đều thông qua thực hiện các biện pháp về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sáng kiến Hội nhập ASEAN nhằm giúp các nước CLMV (Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam) nâng cao năng lực.
(iv) Hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu trên cơ sở tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
II. Sự chuẩn bị của Việt Nam cho AEC
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy việc thành lâp AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với ASEAN, Việt Nam quyết tâm và dành nỗ lực cao nhất để triển khai các cam kết, chương trình, sáng kiến hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, đặc biệt là các biện pháp ưu tiên nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC.
Theo Báo cáo gần đây nhất của Ban Thư ký ASEAN về tỷ lệ thực hiện các biện pháp trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN đã thực hiện được 91,5% các biện pháp ưu tiên có tác động lớn đối với thương mại và đầu tư. Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (tỷ lệ thực hiện các biện pháp ưu tiên đạt 94,5%). Để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp xây dựng AEC, các nước ASEAN nhất trí về một số định hướng, bên cạnh các biện pháp khác, như sau: đánh giá các biện pháp chưa hoàn thành nhằm xác định lý do chưa hoàn thành là vấn đề kỹ thuật hay vấn đề chính sách; tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp còn lại trong Lộ trình tổng thể xây dựng AEC.
Thực hiện chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN khác hoàn tất dự thảo Lộ trình tổng thể xây dựng AEC sau năm 2015 tới 2025, dự kiến sẽ được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao vào tháng 11 sắp tới tại Ma-lai-xia. Nội dung chủ yếu của tài liệu này là các biện pháp chiến lược xây dựng một nền kinh tế ASEAN hội nhập, cạnh tranh, năng động, lấy con người làm trung tâm, phát triển các ngành có lợi thế và hướng ra toàn cầu. Đây cũng sẽ là khuôn khổ để tất cả các cơ quan chuyên ngành trong trụ cột AEC xây dựng kế hoạch hành động chuyên ngành tới năm 2025.
Mức độ sẵn sàng của Việt Nam trước việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 cũng được thể hiện thông qua việc thực hiện các cam kết cụ thể của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực với một số kết quả nổi bật như sau:
Trong nước:
Về mặt chủ trương:
- Thuận lợi chính của Việt Nam trong việc xây dựng AEC là sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế khu vực và tích cực tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm mở cửa thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, tận dụng các nguồn lực nhập khẩu có chi phí thấp hơn; đồng thời tạo ra các sức ép từ bên ngoài để đẩy mạnh cải cách trong nước theo hướng minh bạch, cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về AEC năm 2015 nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về những lợi ích và thách thức của AEC.
- Phối hợp chặt chẽ hội nhập kinh tế ASEAN với hội nhập kinh tế các khu vực khác (như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Việt Nam-Liên minh châu Âu ... đang đàm phán và sẽ được ký kết trong tương lai gần) để doanh nghiệp, người dân Việt Nam được hưởng lợi tối đa từ tiến trình hội nhập kinh tế cho giai đoạn hội nhập kinh tế sau năm 2015.
- Đẩy mạnh việc cải cách cơ cấu kinh tế trong nước với tốc độ phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN.
- Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành tham gia AEC của Việt Nam thông qua vai trò điều phối của Bộ Công Thương.
Về mặt thực hiện cam kết, Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng hạn:
- Ban hành văn bản pháp lý thực hiện cắt giảm thuế.
- Tăng cường thuận lợi hóa thương mại thông qua triển khai hải quan điện tử, cơ chế một cửa, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan và giảm các yêu cầu về các giấy tờ kê khai, qua đó giảm thiểu chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nỗ lực đơn giản hoá hệ thống các giấy phép, giấy chứng nhận bao gồm giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), giấy chứng nhận vệ sinh kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ví dụ như việc thực hiện hệ thống eCoSys (hệ thống xin cấp C/O qua mạng), cấp phép nhập khẩu tự động.
- Hướng tới tự do hóa dịch vụ, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi một số Luật liên quan như Luật đầu tư, Luật Thương mại, Luật doanh nghiệp và ban hành nhiều Nghị định, văn bản hướng dẫn các Luật này.
- Sửa đổi và ban hành mới các chính sách để thực hiện các cam kết trong từng ngành cụ thể, điển hình là trong các ngành dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) cũng như GATS.
- Đối với các ngành dịch vụ ưu tiên gồm y tế, du lịch, logistics, e-ASEAN và hàng không, Việt Nam cũng đã tuân thủ nghiêm túc các cam kết và tích cực tham gia vào các hiệp định liên quan.
- Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có Luật cạnh tranh khá toàn diện áp dụng cho cả nền kinh tế và có các cơ quan giám sát thực hiện luật này cùng với In-đô-nê-xia, Xinh-ga-po và Thái Lan…
Về mặt phối hợp với doanh nghiệp:
- Đàm phán cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với lộ trình chuyển đổi phù hợp để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị trong các FTA nội khối ASEAN và ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ôt-xtrây-lia và Niu Di-lân.
- Đàm phán thúc đẩy việc mở cửa thị trường ASEAN và các đối tác cho doanh nghiệp của Việt Nam.
- Phối hợp tích cực với doanh nghiệp giải quyết các biện pháp hạn chế thương mại mới tại các thị trường xuất khẩu, kể cả các biện pháp như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.
- Chủ động vận dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá để đối phó với hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng tiêu cực hoặc cạnh tranh không bình đẳng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
- Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các kênh hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư để tìm hiểu, thâm nhập và phát triển thị trường.
- Triển khai việc tuyên truyền, quảng bá cho doanh nghiệp và người dân ở các địa phương trong cả nước về các cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế, đặc biệt là về Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
- Khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ để góp phần thu hút đầu tư, đảm bảo hiệu ứng lan tỏa của đầu tư, mang lại lợi ích trực tiếp và thiết thực cho doanh nghiệp và người dân địa phương, đồng thời xây dựng năng lực dài hạn cho hội nhập kinh tế trong tương lai.
- Cuối cùng và không kém phần quan trọng là việc đàm phán mở cửa các thị trường mới, vừa nhằm mục đích đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc sâu vào các thị trường khu vực, vừa tính đến tính chất bổ trợ cho nền kinh tế Việt Nam, mà ví dụ nổi bật là thị trường EU, thông qua đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.
Cùng với các nước thành viên ASEAN khác:
Trên lĩnh vực thương mại hàng hóa
Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc Lộ trình cắt giảm thuế thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) được kế thừa từ Chương trình CEPT/AFTA. Tính đến năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0-5% đối với 97% biểu thuế, trong đó khoảng 90% số dòng thuế đã ở mức 0%. Đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 97% biểu thuế và xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng trứng gia cầm, đường, muối. Về thuận lợi hóa thương mại
, Việt Nam cùng các nước ASEAN tích cực triển khai các sáng kiến và nội dung trong Chương trình làm việc về Thuận lợi hóa thương mại giai đoạn 2007-2015 được các nước Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thông qua, nổi bật là:
- Việt Nam đã xây dựng cơ chế một cửa quốc gia và là một trong số các nước ASEAN đi đầu kết nối với cơ chế một cửa ASEAN.
- Việt Nam cùng các nước ASEAN cũng đã thống nhất Chương trình làm việc giải quyết các rào cản phi thuế (NTM), gồm các hoạt động như cập nhật cơ sở dữ liệu về NTM hiện có của ASEAN, xác định và xử lý/dỡ bỏ các yếu tố rào cản thương mại trong các NTM. Về phía Việt Nam, các biện pháp trong nước đều phù hợp với các cam kết quốc tế và Việt Nam vẫn chủ động phối hợp với các nước ASEAN để thảo luận, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
- Việt Nam cùng một số nước ASEAN đã tham gia dự án thí điểm Tự chứng nhận xuất xứ thứ 2.
Trên lĩnh vực thương mại dịch vụ
Việt Nam cùng các nước ASEAN đã hoàn tất Gói cam kết thứ 9 và đang tích cực xây dựng Gói cam kết thứ 10 trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS). Mặc dù nội dung Gói 10 đặt yêu cầu cam kết mở cửa khá cao, Việt Nam vẫn thể hiện sự nỗ lực, tích cực giải quyết các vướng mắc để sớm cùng các nước thành viên ASEAN hoàn thành nội dung cam kết trong Gói 10.
Trên lĩnh vực đầu tư
Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) được ký kết tháng 2 năm 2009, là sự kế thừa và tổng hợp Hiệp định đầu tư ASEAN (AIA) và một số thỏa thuận khác từ trước đó. Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đến nay, các nước ASEAN tập trung cắt giảm và loại bỏ dần các biện pháp trong Danh mục bảo lưu của mình, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư tự do và mở cửa vào năm 2015.
Trong lĩnh vực xúc tiến và tự do hóa đầu tư, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN đạt được những kết quả nhất định như xuất bản Sách hướng dẫn đầu tư cho doanh nghiệp, Báo cáo đầu tư ASEAN hàng năm; tổ chức các hội thảo, diễn đàn về xúc tiến đầu tư; xây dựng trang thông tin ASEAN về đầu tư v.v.
Các nội dung khác
Việt Nam cũng chủ động cùng các nước ASEAN triển khai các hoạt động trong các lĩnh vực, nổi bật là:
- Sáng kiến kết nối ASEAN được thông qua tại Hội nghị Cấp cao (HNCC)-15 năm 2009 với mục tiêu củng cố kết nối cơ sở hạ tầng (cả phần cứng và phần mềm) nhằm thu hẹp khoảng cách về kinh tế trong khu vực và Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) tại HNCC-17 năm 2010 tại Hà Nội để triển khai Sáng kiến Kết nối. MPAC tập trung vào 3 lĩnh vực: kết nối phần cứng, kết nối về thể chế và kết nối về con người.
- Hợp tác tài chính: các nước ASEAN đã đàm phán được 6 Gói tự do hóa dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS và hiện đang chuẩn bị đàm phán Gói 7. Ủy ban công tác về tự do hóa tài khoản vốn đang xây dựng khung tự do hóa tài khoản vốn để đánh giá mức độ tự do hóa của từng quốc gia, là cơ sở để các nước thành viên cập nhật về lộ trình tự do hóa tài khoản vốn của nước mình. Bên cạnh đó, các nước cũng triển khai đối thoại chính sách về cơ chế phòng vệ cho tự do hóa tài khoản vốn để theo dõi xu thế biến động của các dòng vốn trong ASEAN nhằm xác định các rủi ro tiềm ẩn, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ.
- Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tích cực cùng các nước ASEAN triển khai hợp tác trong một số nội dung khác như cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, v.v.
III. Vai trò và vị trí của Việt Nam trong quá trình xây dựng AEC:
Trong bối cảnh xây dựng AEC, vị trí và vai trò của nền kinh tế Việt Nam cần được xem cả trong khuôn khổ nội khối ASEAN và hội nhập nền kinh tế toàn cầu như sau:
Trong khuôn khổ nội khối:
- ASEAN là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Với lợi thế là một khu vực phát triển năng động, gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN có mức tăng trưởng cao.
- Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cấp cả về chất lượng và giá trị. Xuất khẩu của ta sang ASEAN chiếm 11,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2015. Từ những mặt hàng truyền thống mà ta có thế mạnh như nông sản sơ chế và nguyên nhiên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô có hàm lượng chế tác thấp, thời gian qua Việt Nam đã xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, dệt may, nông sản chế biến với giá trị cao và ổn định. Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng gia nhập các câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hàng dệt may.
- Việt Nam là điểm đến đầu tư khá hấp dẫn của các nhà đầu tư ASEAN và và các nhà đầu tư khác đóng trụ sở tại ASEAN. Tính đến hết năm 2014, Xinh-ga-po, Ma-lay-xia, Thái Lan là ba nước thành viên ASEAN nằm trong danh sách 10 đối tác có vốn đăng ký FDI lớn nhất vào Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nhập nền kinh tế khu vực và toàn cầu:
- Trọng tâm của Cộng đồng Kinh tế ASEAN là sáng kiến phát triển thị trường và cơ sở sản xuất ASEAN chung dựa trên sự kết nối sức mạnh của thị trường 10 nước ASEAN với hơn 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP gần 3.000 tỷ đô la Mỹ/năm.
- Việt Nam có quy mô dân số 90 triệu người dân, với tỷ lệ dân số trẻ ở mức cao, tổng GDP 184 tỷ đô la Mỹ năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,9% năm 2014 và 6,3% nửa đầu năm 2015. Vì thế, Việt Nam đóng góp đáng kể cho ASEAN cả về ý nghĩa thị trường và cơ sở sản xuất.
- Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN hợp tác sâu rộng với nhiều đối tác quan trọng, đặc biệt trên cơ sở các FTA giữa ASEAN với Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôt-xtrây-lia, Niu Di-lân và Trung Quốc, tích cực thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các nội dung hợp tác này đặt ASEAN vào vị trí trung tâm trong cấu trúc hội nhập kinh tế khu vực đang nổi lên và trở thành một trung tâm sản xuất và thị trường quan trọng của thế giới.
- Việt Nam cũng đồng thời tham gia nhiều các FTA với các đối tác ngoài khối như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, FTA với EU, với Liên minh Kinh tế Á-Âu, v.v. càng mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao tính ổn định, bền vững của thương mại và đầu tư thông qua các cam kết về môi trường kinh doanh, thương mại và đầu tư.
- Bởi vậy, Việt Nam đóng vai trò là một điểm đến quan trọng cho đầu tư nước ngoài để sản xuất cho khu vực ASEAN và nhiều thị trường quan trọng. Đi cùng với đầu tư là dòng hàng hóa, dịch vụ và lao động có kỹ năng mà Việt Nam cần để nâng cao khả năng sản xuất của mình. Việt Nam cần hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
- Do đó, dự kiến Việt Nam sẽ tận dụng tốt nền tảng hội nhập kinh tế khu vực ASEAN để tăng cường liên kết và hội nhập kinh tế với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của thế giới trong tương lai.
IV. Đánh giá tác động tổng thể của AEC đối với Việt Nam
- Quyết định gia nhập ASEAN là một bước đi chiến lược đúng đắn, mang lại lợi ích quan trọng và thiết thực cho Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.
- Sau 20 năm gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2015), cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Hiệp hội với việc thúc đẩy tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng 2025, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN, cụ thể:
Cơ hội:
- Sau khi hình thành vào cuối năm nay, AEC cơ bản sẽ trở thành một thị trường chung gồm khoảng 600 triệu người tiêu dùng với tổng GDP gần 3.000 tỷ USD, một không gian sản xuất thống nhất, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên.
- Việt Nam sẽ có cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu, từ đó, góp phần cải cách quản lý, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Từ trước tới nay, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tính đến 9 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt 31,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường ASEAN đạt trị giá 13,7 tỷ USD và chiếm 11,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thế giới. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu xấp xỉ 17,6 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ các nước ASEAN, chiếm 14,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước từ tất cả các thị trường. Tính đến tháng 9 năm 2015, ASEAN đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
- Việt Nam sẽ có cơ hội tăng cường thu hút FDI cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học-công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tính đến hết tháng 10 năm 2015, ASEAN có 2.629 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 56,55 tỷ USD, bình quân 1 dự án là 21,51 triệu USD/dự án cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,9 triệu USD/dự án.
Xinh-ga-po dẫn đầu với 1.469 dự án, tổng vốn đầu tư là 33,9 tỷ USD, chiếm 60% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ 2 là Ma-lai-xia với 510 dự án, tổng vốn đăng ký là 13,36 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư. Thái Lan đứng thứ 3 với 406 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,03 tỷ USD chiếm 12% tổng vốn đầu tư.
- Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn nhờ phát huy hiệu quả từ quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh. Điều mong đợi hơn cả là việc AEC có thể tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng chung của khu vực. Bên cạnh đó, định hướng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho thương mại mà ASEAN đang đặt ra cho giai đoạn sau 2015 sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Người tiêu dùng ASEAN sẽ có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn. Thương mại và đầu tư nội khối có cơ hội phát triển nhanh chóng.
- Những tác động tích cực từ AEC sẽ góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Việc thực hiện các cam kết trong ASEAN tạo nền tảng để Việt Nam tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.
- Ngoài ra, tham gia hợp tác kinh tế ASEAN tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng (từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang mặt hàng có chất lượng cao); nâng cao năng lực và hiệu quả của nguồn nhân lực Việt Nam….
Thách thức:
Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là môi trường cạnh tranh gay gắt hơn do hội nhập kinh tế khu vực mang lại, đặc biệt khi các quốc gia thành viên có đặc điểm sản xuất khá giống nhau, có những thế mạnh chung trong nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn cần được cải thiện nhiều hơn nữa, liên quan đến nhiều nguyên nhân như hạn chế về hạ tầng, bao gồm cả các yếu tố hạ tầng cứng (đường sá, cảng biển, năng lượng,…) và hạ tầng mềm (hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính…), hạn chế về nguồn nhân lực, tốc độ điều chỉnh cơ cấu kinh tế để lợi ích tăng trưởng kinh tế được phân bổ đồng đều hơn, hạn chế về nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân trong việc ứng xử với quá trình hội nhập kinh tế.
Ngoài ra, việc tuân thủ luật chơi chung và thực hiện các cam kết, thỏa thuận chung của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác, đòi hỏi đầu tư nguồn lực và điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp.
Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, AEC sẽ đem lại nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp ASEAN nói chung./.
Nguồn: Vụ chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương