Thông tin liên quan

Đàm phán RCEP khó có thể kết thúc vào tháng 12 tới và sẽ kéo dài đến năm 2017

14 tháng 12. 2016

Theo lời Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharaman phát biểu hôm 26/08, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ khó kết thúc đúng thời hạn tháng 12 năm nay như đã đặt ra.

Các thành viên của RCEP kỳ vọng sẽ kết thúc các vòng đàm phán Hiệp định vào tháng 12/2016, tuy nhiên “điều này sẽ không xảy ra. Việc đàm phán sẽ kéo dài sang năm 2017”, trích lời bà Sitharaman phát biểu với báo chí.

Bà Nirmala cho hay cuộc họp cấp bộ trưởng sắp tới nhằm xem xét lại tiến trình đàm phán sẽ diễn ra vào tháng 11 này.

Ngày 5/8 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại các nước RCEP bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản đã họp tại Lào nhằm chấm dứt bế tắc và xác định các vấn đề đang cản trở tiến trình đàm phán RCEP, trong đó có lĩnh vực dịch vụ.

Hiện nay, mặc dù các thành viên đã thống nhất về mô hình cắt giảm thuế quan một mức thay cho mô hình cắt giảm thuế quan ba mức đã được đưa ra trước đó, tiến trình đàm phán đang bị chậm lại khi bàn đến các vấn đề liên quan đến dịch vụ - lĩnh vực quan tâm chính của Ấn Độ.

“Các thảo luận chi tiết về dịch vụ vẫn chưa diễn ra, do đó chúng tôi cần phải thảo luận sâu về vấn đề này hơn khi mà đã tiến rất gần tới thỏa thuận chung. Các bộ trưởng đồng thời cũng quan ngại về khả năng thống nhất về việc hoàn thiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs)” trích lời Bà Sitharaman.

Các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau sẽ mở đường cho việc công nhận các chứng chỉ chuyên môn ban hành bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành giữa các quốc gia thành viên. Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dịch vụ chuyên biệt như kỹ thuật, tài chính và kiến trúc được khuyến khích có quy định cụ thể trong hiệp định.

Thêm vào đó, phía Ấn Độ cũng đang vận động cho việc RCEP được thể hiện trong một văn kiện thống nhất, thay vì ký kết các hiệp định riêng biệt về hàng hóa và dịch vụ riêng biệt như trong khuôn khổ của Asean.

“Chúng tôi đã nhấn mạnh quan điểm rằng việc đàm phán cần được hoàn thành trong một văn kiện thống nhất”, bà Sitharaman cũng phát biểu thêm rằng, tại thời điểm hiện tại, các quốc gia thành viên RCEP đang bàn luận về những phương pháp giải quyết thống nhất đối với tất cả các vấn đề phức tạp.

Bà Sitharaman cũng bày tỏ quan điểm rằng trong các cuộc đàm phán, Ấn Độ không hề rơi vào thế bị động, và tất cả các ý kiến của Ấn Độ đều được lắng nghe và cân nhắc bởi các thành viên còn lại.

Thêm vào đó, nhằm dịu đi các mối quan ngại, phía Ấn Độ cũng thể hiện rõ rằng các chuyên gia Ấn Độ sẽ không chi phối thị trường của các quốc gia thành viên khi tham gia các dự án tạm thời.”

RCEP là môt thỏa thuận thương mại rộng lớn, điều chỉnh các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế kỹ thuật, cạnh tranh và sở hữu trí tuệ.

Đàm phán về Hiệp định này bắt đầu vào tháng 12/2012 tại Phnom Penh. 16 quốc gia thành viên của RCEP chiếm tới ¼ nền kinh tế thế giới, tương đương với khoảng 75 nghìn tỷ USD.

16 thành viên khối RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Philippines, Lào và Việt Nam ) và 06 đối tác FTA của họ - Ấn Độ , Trung Quốc , Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập tổng hợp từ Inside Trade

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: