Thông tin liên quan

Ấn Độ đột ngột thay đổi chiến thuật đàm phán RCEP

14 tháng 12. 2016

Ấn Độ đột ngột thay đổi chiến thuật đàm phán bằng cách bày tỏ sẵn sàng từ bỏ cách tiếp cận ba mức tự do hóa thuế quan như đã đề xuất ở Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Sự thay đổi này đã được Ấn Độ thông báo cho các đối tác thương mại tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ tư tổ chức tại Lào vào đầu tháng 8.Ấn Độ là thành viên chính đưa đề xuất ba mức giảm thuế quan của RCEP.

Điều gì đã khiến Ấn Độ đã phải thay đổi chiến thuật? Những lý do thực sự đằng sau sự thay đổi chính sách này chưa được công khai nhưng giới truyền thông thì cho rằng Ấn Độ thay đổi để đổi lấy các cam kết ở mức độ cao hơn về thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ từ các nước thành viên khác của RCEP.

Không giống như phần lớn các quốc gia thành viên RCEP khác, Ấn Độ có nhiều lợi íchhơn từ cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư trong lĩnh vực CNTT và các dịch vụ liên quan đến CNTT (ITES) vì ngành CNTT của Ấn Độ có sức cạnh tranh trên toàn cầu và đóng góp lớn nhất cho doanh số xuất khẩu dịch vụ. Trong khi Ấn Độ có thể áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn đối với ngân hàng, thương mại bán lẻ và dịch vụ pháp lý. Ấn Độ đang tìm kiếm một chế độ thị thực dễ dàng hơn cho các chuyên gia ngành CNTT và các ngành dịch vụ khác di chuyển sang các nước thành viên RCEP. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên RCEP không sẵn sàng để mở rộng tiếp cận thị trường một cách có ý nghĩa cho các công ty dịch vụ của Ấn Độ.Về các vấn đề đầu tư cũng vậy, đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa Ấn Độ và các nước thành viên khác.

Mặt khác, Ấn Độ lại muốn phòng thủ đối với hàng hóa hàng nông nghiệp và sản xuất hàng hóa (trừ dược phẩm và dệt may). Trong điều kiện sản xuất hiện nay, Ấn Độ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhưng thiếu cạnh tranh nhất trong khu vực này mặc dù nó có quy mô thị trường khổng lồ và đa dạng.

Ngược lại, các nước RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là cường quốc xuất khẩu sản xuất hàng hoá và có lợi ích rất rõ nét trong việc mở cửa thị trường hàng hóa của Ấn Độ. Tương tự như vậy, Úc và New Zealand đang gây sức ép để có mức thuế thấp hơn nhằm mở rộng tiếp cận thị trường thực phẩm, rượu và sữa của Ấn Độ.

So với phương pháp thu hoạch sớm thường được các nước thành viên khá ưa chuộng, Ấn Độ dự định đạt được một thỏa thuận cam kết duy nhất mà cho phép thỏa hiệp giữa các ngành trong quá trình đàm phán.

Đối với Ấn Độ, RCEP sẽ là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất và Ấn Độ có thể phải đưa ra cam kết sâu hơn so với những gì có trong FTA với ASEAN, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.

RCEP là gì?

RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do khu vực giữa 16 nước (10 nước ASEAN và 6 đối tác FTA của nó, cụ thể là, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Nếu thành công, RCEP sẽ trở thành một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 45% dân số toàn cầu với GDP hợp nhất 22 nghìn tỷ USD, chiếm 40% của thương mại thế giới.

RCEP ràng buộc pháp lý một loạt các vấn đề bao gồm cả thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, giải quyết tranh chấp và hợp tác kinh tế và kỹ thuật.

Các cuộc đàm phán bắt đầu từ tháng 11 năm 2012 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Campuchia và vòng đàm phán thứ 14 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào trung tuần tháng 8 năm 2016.

Các lợi ích cốt lõi của nước thành viên RCEP rất đa dạng và tiến trình đàm phán đang bị bế tắc. Với tốc độ chậm chạp của các cuộc đàm phán các trụ cột quan trọng khác (thương mại dịch vụ và đầu tư), không chắc rằng RCEP có thể hoàn thành trong năm nay.

Đề xuất tiếp cận mức của Ấn Độ

Theo cách tiếp cận ba mức của Ấn Độ, cam kết giảm thuế căn cứ vào việc nước này có FTA với các thành viên quốc gia của RCEP hay không. Như đã nói ở trên, Ấn Độ đã có FTA với ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ở mức I, Ấn Độ cam kết loại bỏ 80% dòng thuế đối với các nước ASEAN. Trong số đó, 65% sẽ có hiệu lực ngay khi thỏa thuận RCEP được thực thi và phần 15% còn lại sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm. Trong Mức II, Ấn Độ xoá bỏ thuế 65% dòng thuế cho hàng hóa đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản trong khi hai quốc gia này đã cam kết ngưỡng loại bỏ 80% trong hơn một thập kỷ.

Ở mức III liên quan đến các nước mà Ấn Độ không có FTA. Trong Mức III, Ấn Độ loại bỏ 42,5% dòng thuế cho Trung Quốc, Úc và New Zealand trong khi các nước này cam kết cắt giảm tương ứng  42,5%, 80% và 65%.

Ngược lại, nếu chỉ có 1 mức cắt giảm thuế khi mà tất cả các nước thành viên đều cùng loại bỏ thuế quan đồng nhất – sẽ có khả năng đe dọa cao hơn nhiều đến các nhà sản xuất Ấn Độ.

Gia tăng sự lo ngại trước hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn

Lo ngại về những tác động tiêu cực có thể có của RCEP, các hiệp hội ngành công nghiệp và cộng đồng nông dân ở Ấn Độ thấu hiểu sự đe họa của hàng hóa nhập khẩu giá rẻ hơn (chẳng hạn như thép, hóa chất và đồ điện từ Trung Quốc, nông sản từ các nước Asean, lúa mì và rượu vang từ Úc và các sản phẩm sữa từ New Zealand) tràn ngập thị trường trong nước và đẩy các nhà sản xuất ra bên rìa cuộc chơi.

Ngay cả những người ủng hộ coi RCEP như là một cơ hội cho nền kinh tế Ấn Độ có thể cạnh tranh trên toàn cầu cũng lo sợ hậu quả của cơn lũ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ hơn là có thực và các đề xuất RCEP có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người sản xuất và người lao động nhỏ nếu các biện pháp tự vệ được không được tích hợp đầy đủ trong đó.

Đặc biệt, có nhiều lo ngại liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa sản xuất rẻ hơn từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng năm 2015, thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc đã lên đến 51,8 tỷ USD trong khi tổng kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 71,2 tỷ USD.Ân Độ xuất khẩu sang Trung Quốc 9,6 tỷ USD trong khi nhập khẩu lên đến là 61,5 tỷ USD

Trong những năm qua, xuất khẩu của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với Ấn Độ. Mặc dù trong thực tế Ấn Độ đã thường xuyên sử dụng thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ và các biện pháp đối kháng khác để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước trước hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong giai đoạn 1994-2014, đã có 134 trường hợp Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Phần lớn sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu Trung Quốc là hàng hóa của các nhà sản xuất nhỏ và vừa của Ấn Độ, các doanh nghiệp này đã yêu cầu chính phủ kiềm chế nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn.

Ấn Độ cũng có thâm hụt thương mại với các quốc gia RCEP khác như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Indonesia.

Tham gia RCEP, Ấn Độ có khả năng bị giảm nguồn thu

Các cuộc tranh luận hiện nay về RCEP đã bỏ quên một điểm quan trọng là Ấn Độ tham gia RCEP có dẫn đến thất thu thuế đáng kể khi nước này đang áp thuế suất cao hơn mức thuế suấtMFN (cho cả hàng hóa sản xuất và hàng hóa nông nghiệp) so với các quốc gia RCEP khác. Theo Mint, các quan chức Bộ Thương mại đã ước tính rằng tiềm năng giảm thu thuế khi tham gia RCEP là khoảng 1,6% GDP.

Trải nghiệm của Ấn Độ với các FTA

Đối với Ấn Độ, không thể không đánh giá tác động (tích cực và tiêu cực) của các hiệp định thương mại song phương hiện có của nó với các thành viên RCEP khác trước khi tham gia giao kết thỏa thuận thương mại khu vực lớn này.

Thực tiễn gần đây của Ấn Độ cho thấy các FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN đã không phát huy được tác dụng tích cực do vô số lý do. Hậu FTA, kim ngạch thương mại song phương đã tăng nhưng nhập khẩu từ các nước đối tác đã tăng với tốc độ nhanh hơn so với xuất khẩu của Ấn Độ sang các đối tác. Do chế độ thuế tương đối cao, Ấn Độ đã phải giảm thuế nhiều hơn so với các nước đối tác. Lấy trường hợp của FTA Ấn Độ-ASEAN. Sau khi thực hiện, nhập khẩu của Ấn Độ từ ASEAN tăng 79% trong khi xuất khẩu chỉ tăng 39%.

Điều tra kinh tế chính thức 2015-16 cũng ghi nhận: "Kim ngạch thương mại tăng chủ yếu do tăng nhập khẩu hơn là xuất khẩu, lý do có thể Ấn Độ trước đó có mức thuế tương đối cao và do đó đã phải cắt giảm thuế quan nhiều hơn cho các đối tác FTA".

Mặc dù Ân Độ đã có những chính sách để tận dụng cơ hội từ FTA song các nhà xuất khẩu Ấn Độ đã không thể đạt được lợi ích lớn hơn từ các FTA là do nhận thức thấp và quy tắc rườm rà. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, tỷ lệ sử dụng các FTA của Ấn Độ dao động từ 5% đến 25% - một trong những mức thấp nhất khu vực. Hơn nữa, các nghiên cứu cho rằng các doanh nghiệp lớn có nhiều cơ hội và khả năng tận dụng các FTA hơn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với các lĩnh vực dịch vụ có liên quan, Ấn Độ đã không thể đảm bảo tiếp cận thị trường lớn hơn trong hiệp định thương mại với ASEAN. Trong trường hợp của hiệp định thương mại song phương với Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, nơi Ấn Độ đã đàm phán thành công Hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) - nhằm tạo điều kiện cho sự di chuyển tự do của các chuyên gia ngành CNTT và các chuyên gia dịch vụ khác – nhưng khả năng thực thi MRA rất kém.

Các chính sách ưu tiên của Ấn Độ là nên giải quyết những thiếu sót của các FTA song phương hiện tại với các thành viên RCEP chứ không nên tham gia các FTA khu vực lớn như RCEP và TPP.

Không thể phủ nhận rằng nêu không là một phần của RCEP, Ấn Độ có thể phải chịu tổn thất thương mại. Nhưng khi tham gia hiệp ước lớn này sẽ phát sinh chi phí kinh tế và xã hội đáng kể. Không giống như Australia, Nhật Bản và New Zealand, Ấn Độ thiếu một mạng lưới an sinh xã hội toàn diện để cân bằng. Mối đe dọa đối với hàng triệu nông dân Ấn Độ, người lao động và doanh nghiệp có thể mất công ăn việc làm và sinh kế do hàng nhập khẩu từ các thành viên RCEP không thể đánh giá thấp. Gần 93% lực lượng lao động của Ấn Độ làm việc trong khu vực phi chính thức.

Mục tiêu địa -chính trị của FTA Ấn Độ - ASEAN?

FTA của Ấn Độ với ASEAN và các quốc gia Đông Á khác thường được xem như là bộ phận không tách rời của "Chính sách hướng Đông", được xây dựng bởi chính phủ Narasimha Rao từ năm 1991. Kể từ đó, các chính phủ kế nhiệm đã thực hiện các bước tiếp theo theo hướng sâu sắc hơn và có tổ chức hơn trong việc hội nhập kinh tế với khu vực này.

Thật vậy, những động cơ để theo đuổi các FTA với các nước Đông Á đã được gán cho mục tiêu thúc đẩy những lợi ích địa chính trị của Ấn Độ. Quan điểm này đã sáng tỏ trong một bức thư viết vào tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh gửi Chủ tịch Quốc hội Sonia Gandhi, bày tỏ sự lo ngại về tác động tiêu cực của FTA Ấn Độ-ASEAN đối với nông dân trồng trọt. Trong bức thư của mình, Singh nói: "Cách tiếp cận của chúng tôi để xúc tiến thỏa thuận thương mại khu vực nói chung, và các FTA nói riêng, đã được phát triển sau khi xem xét cẩn thận các lợi ích địa-chính trị cũng như các lợi ích về kinh tế."

Không có gì sai trong việc tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ và vị trí chiến lược trên thế giới nhưng đã đến lúc để Chính phủ cần chia sẻ đánh giá của mình cho dù các FTA giúp việc đạt được lợi ích phi kinh tế địa chính trịtrong khu vực này hoặc nơi khác.

Cần tham vấn trong nước nhiều hơn

Một trong những thiếu sót lớn trong chính sách FTA của Ấn Độ là rất hạn chế tham vấn với tất cả các bên liên quan. Số lượng  các tổ chức trong nước cần tham vấn về RCEP, cho đến nay, không đủ cả về quy mô, độ sâu lẫn tính đa dạng của các nhà sản xuất Ấn Độ.

Để tránh lặp lại những sai lầm tương tự hơn và hơn nữa, các nhà chức trách Ấn Độ quan tâm đến việc tham vấn tất cả các bên liên quan. Bên cạnh đó, chính phủ phải tiến hành nghiên cứu và phân tích sâu để đo lường tác động liên ngành và nội bộ ngành của RCEP.

Ở Ấn Độ và các nơi khác, các hiệp định thương mại tự do hiện nay đều không được công chúng ủng hộ nhiều. Trong những năm gần đây, quan điểm của công chúng về các thỏa thuận thương mại tự do đã trở nên tiêu cực hơn. Vì vậy, tiến trình tham vấn trở nên rất quan trọng đối với các nhà chức trách Ấn Độ để tìm kiếm sự ủng hộ tích cực của các nhóm nông dân, các hiệp hội ngành công nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ, các công đoàn và các tổ chức trong quá trình này.

Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã trở thành một mô hình tăng trưởng chủ đạo của các nền kinh tế Đông Á. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và suy thoái kinh tế tiếp theo ở các nước phát triển đã bộc lộ những lỗ hổng của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đây là câu hỏi chưa có câu trả lời là các nền kinh tế khác có nên bắt chước mô hình này để thúc đẩy phát triển. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hiện đang cố gắng để chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hướng sang mô hình tiêu thụ để giảm sự phụ thuộc vào suy thoái xuất khẩu.

Không giống như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản và các nước Đông Á khác đang áp dụng mô hình tăng trưởng đầu tư thúc đẩy xuất khẩu, sự tăng trưởng của Ấn Độ phần lớn bắt nguồn từ tiêu thụ trong nước chiếm đến gần 70% GDP.

Do sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài và tình trạng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới, Ấn Độ sẽ phải chú ý nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước trong ngắn hạn và trung hạn.

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, cơ hội cho Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế thông qua xuất khẩu là rất thấp. Đã có những làn sóng bảo hộ mạnh mẽ chống lại các phần mềm và dịch vụ đến từ công nghiệp xuất khẩu của Ấn Độ tại các thị trường trọng điểm. Thay vì mở rộng dấu chân toàn cầu thông qua các FTA, đầu tiên Ấn Độ nên tập trung vào việc tăng cường năng lực sản xuất trong nước và huy động các nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội.

Nguồn: Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: