Thông tin liên quan

Bộ trưởng RCEP nhất trí các yếu tố then chốt đẩy nhanh đàm phán

13 tháng 09. 2017

Các Bộ trưởng kinh tế của 16 nước châu Á-Thái Bình Dương đã thông qua một loạt "yếu tố quan trọng", qua đó định hướng các cuộc đàm phán hướng tới việc thiết lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Phát biểu tại họp báo sau khi kết thúc Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 49 tại Manila, Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez nêu rõ các bên đã nhất trí về các yếu tố quan trọng hướng tới việc đạt được kết quả đáng kể vào cuối năm nay. 

Ông nhấn mạnh các yếu tố này sẽ được ủy ban đàm phán thông qua trong quá trình các bộ trưởng phác thảo nội dung và các điều khoản chi tiết của RCEP.

Các yếu tố này bao gồm các tham vọng thực tiễn hơn liên quan đến tỷ lệ sản phẩm tham gia, các bước và thời điểm mỗi lần tham gia trong vòng 10-15 năm tới. Về cơ bản, các yếu tố này chính là một khung thời gian. 

Thông qua các yếu tố này, các nước có thể đảm bảo rằng cam kết của mỗi bên sẽ có tác động mạnh mẽ lên tiến trình đàm phán, thay vì các cuộc thảo luận đơn thuần về phương thức. 

Các bộ trưởng tham gia RCEP đã nhóm họp ngày 10/9 trong khuổn khổ Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 nhằm hoàn tất các mục tiêu liên quan đến thương mại, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo thỏa thuận thương mại giữa 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại. 

Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị RCEP lần thứ 5 nêu rõ các bộ trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác nhằm đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán RCEP. 

Các bộ trưởng kêu gọi các nước tham gia tập trung vào nỗ lực và nguồn lực nhằm tối đa hóa tiến bộ hướng tới việc đạt được các kết quả quan trọng. 

Hội nghị hoan nghênh việc ủy ban đàm phán thương mại RCEP nhất trí về các yếu tố then chốt nhằm đạt được kết quả quan trọng vào cuối năm 2017.

Các quan chức này cũng khẳng định sự cần thiết của việc biến những cam kết chính trị thành hành động. Các bộ trưởng đánh giá cao việc đẩy mạnh đàm phán về tiếp cận thị trường và các quy định, tái khẳng định mục tiêu của RCEP là tiến đến một thỏa thuận đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích chung. 

RCEP là hiệp định giữa 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Do đó, RCEP được xem là hiệp định thương mại mở rộng của ASEAN với các đối tác, là khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm toàn cầu (GDP). 

Việc hoàn tất RCEP sẽ dẫn tới việc thành lập khối thương mại lớn nhất thế giới, giúp RCEP có tiềm năng đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu.

Khác với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường.

Nhưng cũng giống như TPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại lớn trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng./. 

Nguồn: vietnamplus.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: