Đúng với dự đoán được đưa ra từ trước, tại cuộc đàm phán ở thủ đô Manila (Philippines), các bộ trưởng kinh tế tới từ 16 nước Châu Á - Thái Bình Dương đã thừa nhận sẽ không đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay. Những bất đồng khó thu hẹp làm dấy lên nghi ngại RCEP sẽ có chung “số phận” như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Được khởi động vào năm 2012, RCEP hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác đối thoại, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, RCEP được cho là giải pháp thay thế tốt nhất nhằm mang lại sự liên kết về thương mại giữa các quốc gia trong khu vực. Nếu các cuộc đàm phán diễn ra thành công, RCEP sẽ bao trùm khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn cho các thành viên, nhất là các quốc gia có mức độ phát triển thấp.
Khác với TPP, RCEP không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường. Nhưng cũng giống như TPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại lớn trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng. Trong đó, bất đồng lớn nhất là vấn đề thuế quan. Các nước phát triển như Nhật Bản, Australia và New Zealand hướng tới mức độ tự do hóa thị trường cao gần với mức mà TPP dự kiến đạt được, tức là giảm thuế xuống gần mức 0%. Tuy nhiên, những quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ phải đối mặt với sự phản đối từ trong nước. Vì nếu thuế nhập khẩu thấp, các doanh nghiệp sản xuất khó cạnh tranh được với các đối thủ mạnh, có bề dầy hoạt động ở các nước phát triển. Do đó, New Dehli cho rằng, việc hướng tới mức độ tự do hóa cao như TPP là không thực tế.
Những khác biệt trong đàm phán về sở hữu trí tuệ cũng đang tạo ra rào cản lớn để RCEP có thể đến đích. Theo quan điểm của Nhật Bản và Hàn Quốc, cần phải có thời gian 8 năm bảo hộ để phát triển dữ liệu dược phẩm như TPP đề ra. Thế nhưng, đa số dược phẩm được bán ở các nước mới nổi, trong đó có Ấn Độ, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường có giá rẻ. Nếu thời gian bảo hộ dược phẩm lâu như vậy thì có thể khiến việc phát triển thuốc chậm trễ, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho rằng, Ấn Độ nên từ chối tất cả các đề xuất dự thảo điều khoản sở hữu trí tuệ làm giảm khả năng tiếp cận thuốc của người bệnh và cần cố gắng đàm phán để quy định cuối cùng về bản quyền phù hợp với các cam kết y tế công cộng toàn cầu có liên quan, đặc biệt là Tuyên bố Doha về Y tế công cộng.
Ngoài ra, giới quan sát cho rằng, những quan điểm trái ngược trong đàm phán đã dẫn tới một cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế tại khu vực đông dân nhất thế giới. Đã hơn 4 năm trôi qua để từ khi bắt đầu đàm phán RCEP, cho đến nay đã có 19 cuộc thảo luận. Theo các nhà quan sát, mặc dù đứng về phương diện chính trị, RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau.
Nguồn: Báo Hà nội mới
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: