Số liệu

Tình hình tận dụng các ưu đãi thuế quan theo các FTA của Việt Nam năm 2016

09 tháng 10. 2017

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) năm 2016 đạt 26,6 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA.

Trong năm 2016, đã có 623.484 bộ C/O ưu đãi được cấp, tăng 21% về số lượng bộ so với năm 2015.

Về kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, nhóm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá 6,8 tỷ USD. Tiếp đó là nhóm hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc và ASEAN với trị giá lần lượt là 6,4 tỷ USD và 5,3 tỷ USD. Thấp nhất là kim ngạch của nhóm hàng hóa xuất khẩu đi Lào và Campuchia.Với Hiệp định giữa Việt Nam và Khối Liên minh Á Âu (gồm 05 nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Nga), mặc dù mới chỉ có hiệu lực từ 10/2016, lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong 03 tháng cuối năm 2016 đã đạt kim ngạch là 92,6 triệu USD.

Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA (tỷ trọng kim ngạch hàng hóa dùng thuế ưu đãi FTA trong tổng kim ngạch), hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Chile chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VCFTA cao nhất với 64%; đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc với tỷ lệ tận dụng là 56%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ thị trường Lào (0,03%) và Campuchia (10%) không cao do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp thường tận dụng ưu đãi trực tiếp từ Hiệp định ATIGA. Tính chung tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2016 là 36%, nhích lên một chút so với năm 2015 (34%).

Về cơ cấu mặt hàng, các mặt hàng nông sản (Chương 01-24) có tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA rất tốt, do hầu hết đều đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy đối với nông sản thô và các quy tắc khác đối với nông sản chế biến. Các mặt hàng công nghiệp (Chương 25-98) có tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao do quy tắc xuất xứ đối với nhóm hàng công nghiệp về cơ bản phức tạp và khó đáp ứng hơn so với nhóm hàng nông nghiệp.

Những năm gần đây, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định ASEAN+ (Hiệp định giữa ASEAN với đối tác ngoài ASEAN) hầu như không tăng, một phần do các đối tác đã thực hiện xong việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan trong các Hiệp định từ những năm trước. Các Hiệp định mới của Việt Nam như Hiệp định  giữa Việt Nam - Chile, giữa Việt Nam – Hàn Quốc đều có tỷ lệ tăng trưởng tốt vì các đối tác đang tiếp tục thực hiện việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan theo cam kết của Hiệp định.

Bảng tổng hợp tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các Hiệp định Thương mại của Việt Nam qua các năm (đính kèm dưới đây).

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: