Điểm tin

Tiết kiệm 6,4 triệu USD nhờ thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN

24 tháng 11. 2018

Thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đề cập tại Hội thảo “Thuận lợi hóa thương mại: Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cách mạng công nghiệp 4.0 tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra ngày 1/11 tại Hải Phòng.

Giảm 4.403 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành

Hội thảo là sáng kiến chung của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN và UBND TP Hải Phòng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh: Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cuc Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện NSW, ASW và cải cách, đổi mới phương thức quản lý đối với hàng hóa XNK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Đáng chú ý, giai đoạn 2015-2018, số lượng mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành được kéo giảm 4.403 mặt hàng.

Tỷ lệ tờ khai thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu giảm từ 30% năm 2015 xuống 19,4% năm 2017.

Năm 2017, thời gian thông quan hàng hóa giảm 3 giờ với hàng xuất khẩu và 6 giờ với hàng nhập khẩu.

“Với 11 triệu tờ khai năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan, tiết kiệm 16 triệu giờ lưu kho với hàng xuất khẩu và 34 triệu giờ lưu kho với hàng nhập khẩu”- Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Đối với thực hiện NSW và ASW, Phó Tổng cục trưởng cho biết, cập nhật từ thời điểm triển khai (cuối năm 2014) đến 8/11/2018, có 130 thủ tục của 11 bộ, ngành kết nối NSW. Hệ thống xử lý được hơn 1,6 triệu hồ sơ của 24.900 doanh nghiệp.

Với ASW, từ 1/1/2018, Việt Nam chính thức trao đổi thông tin C/O điện tử với Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia.

Hết tháng 10, tổng lượng C/O trao đổi khoảng 130.000 C/O, trong đó Việt Nam nhận gần 50.000 C/O và gửi đi hơn 81.000 C/O.

Đặc biệt, việc triển khai ASW ước tính giúp tiết kiệm hơn 2,4 triệu USD chi phí chuẩn bị hồ sơ cho hàng nhập khẩu và hơn 4 triệu USD với hàng xuất khẩu.

Theo Phó Tổng cục trưởng, thời gian tới, trước bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Hải quan Việt Nam sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi kết nối (Blockchain)… trong quản lý nhà nước về hải quan.

Tăng cường kết nối

Liên quan đến nội dung Hội thảo “Thuận lợi hóa thương mại: Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cách mạng công nghiệp 4.0 tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, theo Ban Tổ chức, Hội thảo nhằm cung cấp, chia sẻ kiến thức về những thách thức và cơ hội để trở thành một phần không thể thiếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và các thị trường thương mại trong khu vực; thể hiện cam kết của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề, lĩnh vực: Tầm nhìn và chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam; kết nối doanh nghiệp vừa và nhở (SME) vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu với các công ty đa quốc gia; công nghệ số/thương mại điện tử giúp tiếp cận thị trường toàn cầu; giải pháp thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp SME; cải thiện cách tiếp cận của doanh nghiệp SME tại thị trường khu vực và toàn cầu…

Nguồn: Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: