Diễn biến đàm phán

Vài nét cơ bản về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

16 tháng 07. 2019

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tháng 11/2012, các lãnh đạo trong khu vực đã nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP hướng tới mục tiêu thiết lập một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 10 thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Sự vắng mặt của Mỹ không phải là vấn đề nghiêm trọng. RCEP cho phép các quốc gia khác tham gia sau khi hiệp định hình thành và không cấm các thành viên hiệp định gia nhập các nhóm thương mại tự do khác, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đang tham gia.

Lai lịch của RCEP

RCEP là một hiệp định thương mại do ASEAN lãnh đạo, liên kết các nền kinh tế của 16 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhóm bao gồm hơn 3 tỷ người, có tổng GDP khoảng 17 nghìn tỷ USD, và chiếm khoảng 40 phần trăm tổng thương mại thế giới. Các cuộc đàm phán được dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào đầu năm 2013 và kết thúc vào cuối năm 2015.

Ý tưởng về RCEP lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 11 năm 2011 tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo ASEAN ở Bali, các quan chức đã cố gắng để hài hòa hai kiến ​​trúc thương mại khu vực hiện có. Trung Quốc ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Đông Á, trong đó hạn chế chỉ gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhật Bản lại ủng hộ Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện ở Đông Á, với thêm ba nước: Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Các lãnh đạo ASEAN đưa lại một sự cân bằng với RCEP, áp dụng một nguyên tắc gia nhập mở, cho phép các thành viên khác tham gia miễn là họ đồng ý tuân thủ các quy định và hướng dẫn của nhóm. Hiện tại, chỉ có các nước ASEAN và các đối tác FTA sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán. Mặc dù Mỹ không được tham gia nhưng tư cách thành viên được mở đối với các nước khác.

Ngày 30 tháng 8 năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Campuchia, các quan chức đã thông qua các nguyên tắc hướng dẫn của RCEP. RCEP sẽ củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực đang nổi lên và tìm cách hài hòa “bát mỳ” các khác biệt giữa các FTA của ASEAN. Hiệp định sẽ tìm cách thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực mạnh mẽ hơn, dần dần loại bỏ thuế quan và các rào cản phi thuế quan, và đảm bảo tính nhất quán với các quy tắc của WTO.

Các quan chức thương mại ASEAN tuyên bố RCEP dự kiến ​​sẽ giải quyết thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và giải quyết tranh chấp.

Khác biệt lớn về trình độ phát triển trong khu vực ASEAN ngăn RCEP theo đuổi các chính sách tự do hóa thương mại tích cực. Các Nguyên tắc Định hướng của RCEP thừa nhận thực tiễn khác nhau ở các nước đang phát triển như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, và đưa ra linh hoạt đối xử đặc biệt và khác biệt. RCEP cũng mang nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác kinh tế và công nghệ để rút ngắn khoảng cách phát triển.

Ý nghĩa của RCEP đối với các thành viên

Mặc dù RCEP được chính thức coi là một hiệp định thương mại tự do, nội dung của hiệp định lại tính tới phương án tối thiểu của tự do hóa thương mại. Những điều khoản linh hoạt trong hiệp định đảm bảo không thành viên nào phải tuân thủ chính sách thương mại mà họ không mong muốn, đồng thời có thể bảo vệ các lĩnh vực nhạy cảm khi phải đối diện với áp lực cạnh tranh. Đặc điểm này khiến cho hiệp định trở nên hấp dẫn đối với các nước kém phát triển cũng như thuận lợi hơn trong quá trình mở rộng thành viên. Tuy nhiên, điều khoản đối xử khác biệt có thể sẽ là rào cản của quá trình hội nhập sâu hơn và trở thành công cụ cho các nước không muốn hoặc không thể thực hiện cải cách.

Tuy nhiên, các thành viên hiệp định tin rằng họ sẽ có được lợi ích kinh tế khi RCEP thành hình và phát triển. Các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu ở khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. RCEP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia kém phát triển và cùng hội nhập toàn diện vào các hoạt động kinh tế khu vực.

Điểm khác biệt giữa RCEP và TPP

TPP tìm cách liên kết các nước châu Mỹ với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Các thành viên ban đầu của hiệp định gồm có Brunei, Chile, Singapore, New Zealand, sau đó đã mở rộng số lượng thành viên gồm Mỹ, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico và Canada. Giới quan sát thường đặt TPP và RCEP vào hai phía cạnh tranh, một bên do Mỹ và bên kia do Trung Quốc đứng sau.

Hiệp định TPP đòi hỏi tự do hóa kinh tế sâu hơn đối với các thành viên. Không như RCEP, TPP bao gồm cả các quy định  về bảo vệ quyền của người lao động và các tiêu chuẩn môi trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ và xóa bỏ thuế quan mạnh mẽ. Bên cạnh đó, người ta cũng không kỳ vọng TPP cho phép các nước thành viên đặt riêng ra ngoài những ngành nhạy cảm.

Các quan điểm phê phán TPP cho rằng những tiêu chuẩn quá cao của hiệp định sẽ không khuyến khích sự tham gia của các nước đang phát triển, do đó RCEP trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn, khi được cho là ít đòi hỏi các thay đổi kinh tế. Thêm vào đó, vai trò trung tâm của ASEAN trong RCEP cũng khác hẳn so với TPP, trong đó tất cả các đối tác đều bình đẳng (về mặt kỹ thuật), mặc dù nhiều quốc gia vẫn đang theo dõi những chính sách mà Mỹ theo đuổi.

Bất chấp những khác biệt này, RCEP không loại trừ các thành viên đã tham gia các hiệp định thương mại khác như TPP. Thủ tướng Australia Julia Gillard đã quyết định tham gia cả hai hiệp định TPP và RCEP, và ví von hai cuộc đàm phán riêng biệt này như “hai con đường tới cùng một đích”. Trong chuyến viếng thăm thủ đô Bangkok của Thái Lan của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thái Lan cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia đàm phán TPP. Nhật Bản cũng đã chính thức đề nghị tham gia đàm phán TPP. Ngay trong số các thành viên đang tham gia đàm phán, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam cũng là những nước tham gia vào cả hai kênh đàm phán.

24/05/2013

Nguồn: http://www.nciec.gov.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: