Diễn biến đàm phán

Vòng đàm phán thứ 10 về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực

16 tháng 07. 2019

Trong khi vẫn đang xem xét gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại lớn nhất thế giới giữa 12 nước do Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt, Hàn Quốc đang thúc đẩy ký kết một Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương khác là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Vòng đàm phán thứ 10 về RCEP diễn ra ở thành phố Busan (Hàn Quốc) trong năm ngày, kể từ ngày 12/10, với sự tham gia của khoảng 700 người đến từ 16 nước. Dự kiến, các bên sẽ tiến hành đàm phán cụ thể về danh sách các mặt hàng được xóa bỏ thuế đợt một đã đạt được nhất trí và hình thức tự do hóa dịch vụ và đầu tư. Ngoài ra, những vấn đề khác như quyền sở hữu trí tuệ, hợp tác kinh tế, cơ chế luật pháp, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), xuất xứ hàng hóa, giao dịch điện tử, hải quan, tài chính, thông tin cũng sẽ được đưa ra thảo luận.

RCEP là hiệp định lớn có sự tham gia của 16 nước, bao gồm 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, và các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc. Trong đó, bảy nước gồm Nhật Bản, Úc, Singapore, Brunei, Việt Nam, Malaysia và New Zealand đã gia nhập TPP. Khối các quốc gia thuộc RCEP chiếm 29% nền kinh tế toàn cầu với tổng dân số 3,4 tỷ người và tổng quy mô giao dịch 10.600 tỷ USD. Nếu so sánh với TPP về quy mô, RCEP có số thành viên nhiều hơn bốn nước, dân số nhiều gấp bốn lần và quy mô giao dịch thương mại hàng năm cũng nhiều hơn 1.000 tỷ USD so với 9.400 tỷ USD của TPP. 

Dự kiến, Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh tốc độ gia nhập RCEP do Trung Quốc đứng đầu. Các hãng tin của Trung Quốc gần đây cũng dự báo rằng tốc độ đàm phán của các nước tham gia RCEP sẽ trở nên nhanh hơn do TPP được đạt thỏa thuận. Theo đó, vòng đàm phán thứ 10 tại Busan lần này được coi là sẽ trở thành bước ngoặt cho việc đi đến nhất trí về RCEP trong năm nay. Có ý kiến cho rằng chỉ cần có tiến triển trong vòng đàm phán thứ 10, các nước có thể tuyên bố Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực chính thức đạt được thỏa thuận. 

Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng dù Hàn Quốc có tham gia vào RCEP, thì mức độ mở cửa cũng sẽ không cao như TPP. Trong khi đó, các chuyên gia bày tỏ kỳ vọng rằng thông qua việc gia nhập RCEP, Hàn Quốc sẽ có thể tận dụng sức mua lớn từ Trung Quốc và các nước châu Á khác, từ đó khôi phục và tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường trong nước, vốn đang bị trì trệ do hiện tượng tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số nhanh và tăng trưởng thấp.

Nguồn: KBS World

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: