Điểm tin

Tận dụng làn sóng đầu tư sang Lào để gia tăng quy mô xuất khẩu

30 tháng 06. 2021

Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng làn sóng đầu tư của Việt Nam sang Lào để gia tăng quy mô xuất khẩu. Cùng với làn sóng đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như: Sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, phân bón, thức ăn gia súc...

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào đạt 570,7 triệu USD, tăng tới 39,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 280,3 triệu USD, tăng 23,5%; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 290,4 triệu USD, tăng 58,9%.

Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại đôi bên có sự tăng trưởng ổn định, đến nay đã đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD/năm. Cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững. Danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính chủ động để khai thác hết các lợi thế xuất khẩu sang Lào, gia tăng quy mô xuất khẩu.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần định vị đúng đắn tầm quan trọng của thị trường Lào, xác định những tiềm năng và thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác khi thâm nhập thị trường này để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi phân tích, trên cơ sở mối quan hệ chính trị-ngoại giao rất tốt đẹp với Việt Nam, Chính phủ Lào rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình đầu tư, kinh doanh tại Lào.

Với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào đều rất thuận lợi.

Bên cạnh đó, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào.

Ngoài ra, các thuận lợi khác có thể kể đến như: Thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng Lào có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam…

Thứ hai, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng làn sóng đầu tư của Việt Nam sang Lào để gia tăng quy mô xuất khẩu.

Hiện nay, Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Lào; Lào là nước nhận nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng, ngân hàng, trồng cây công nghiệp, may mặc...

Lào tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển trồng trọt, chăn nuôi để khai thác hết tiềm năng đất đai ở Bắc và Nam Lào. Cùng với làn sóng đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như: Sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phân bón, thức ăn gia súc...

Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Lào là cần thiết, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Lào.

Trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam có thể phối hợp với doanh nghiệp Lào xây dựng, hình thành các chuỗi sản xuất-cung ứng các sản phẩm mà hai nước có lợi thế như khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; sản xuất và xuất khẩu mặt hàng cao su, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may… mang thương hiệu hàng Việt Nam.

“Cùng với các địa phương có chung đường biên giới với Lào, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đảm bảo cho hoạt động thương mại và thương mại biên giới giữa hai nước được diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng thương mại giữa hai nước Việt Nam và Lào”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith từ ngày 28 đến 29/6/2021 là một sự kiện đối ngoại quan trọng của hai nước Việt Nam và Lào. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Thongloun Sisoulith trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần khẳng định mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Nguồn: Báo Chính phủ

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: